Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

[Audio Book] Tâm Thức Học - Nguyễn Duy Nhiên | Đọc: Huyền Ông


Tôi xin được phép trình bày qua một chút về quá khứ và kinh nghiệm của tôi. Tôi tốt nghiệp đại học Dartmouth College với chứng chỉ chuyên môn về nghiên cứu Trung Hoa và Á châu, cùng với ngành triết học Phật giáo. Sau đại học, tôi gia nhập Peace Corps vào giữa thập niên 1960. Tôi xin được đi đến những quốc gia Phật giáo vì tôi muốn học hỏi thêm về Phật học. Tôi đến Thái Lan, và rồi xuất gia, tu học tại nhiều tu viện khác nhau ở Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ và Tích Lan. Sau khi trả y và trở lại Mỹ, tôi lái taxi ở Boston, đi làm trong một bệnh viện tâm thần, và vừa đi học thêm môn tâm lý học. Tôi tốt nghiệp bằng cao học ở đại học Antioch College, và bằng tiến sĩ chuyên môn về Tâm lý học Thực hành (Clinical Psychology). Luận án tiến sĩ của tôi có liên quan về những hiện tượng của thiền quán. Tôi đã có dịp sống trong một tu viện ở giữa rừng sâu, mà sự tu tập được đặt trên ba yếu tố chủ yếu sau đây:

Yếu tố thứ nhất là một sự đơn giản tuyệt đối. Ta chỉ có một chiếc y và một bình bát. Mỗi sáng, bạn ôm bình bát xuống làng và mang về ăn bất cứ những gì mà người ta cúng dường bạn. Bạn sống trong một chòi nhỏ thô sơ ở giữa rừng, với vài quyển sách. Một phần của sự tu tập là giữ cho mình tĩnh lặng, và ý thức rằng ta không cần đến những thứ bình thường vây quanh ta hằng ngày, mà ta nghĩ rằng chúng sẽ mang đến cho mình hạnh phúc. Yếu tố thứ hai là một hình thức từ bỏ. Chúng tôi có 227 giới lớn và 500 luật nhỏ phải giữ. Có những giới luật dường như không còn thích hợp và có ý nghĩa nữa sau hơn hai ngàn năm, nhưng chủ đích là giữ cho ta thực tập chánh niệm. Ta phải ôm bình bát như thế này, ta phải đắp y như thế kia, mỗi hành động đều là một sự thực tập để phát triển chánh niệm. Và yếu tố thứ ba là thực tập thiền quán. Ta thực tập giữ cho mình tĩnh lặng rồi bắt đầu quan sát những hoạt động của tâm ý, nhất là những tâm ý nào mang ta ra khỏi giây phút hiện tại và giữ cho ta không có mặt trọn vẹn được với sự sống này.

Sau thời gian tu tập trong rừng, tôi đi đến một tu viện và học với một thiền sư Miến Điện nổi tiếng, Ngài tên là Mahasi Sayadaw. Trong tu viện này, đặc biệt là các thiền sinh chỉ chú tâm duy nhất vào sự thiền tập đơn độc cá nhân. Ngoài những chuyện lặt vặt khác, phần lớn tôi đã sống khoảng 13 hay 14 tháng trời một mình trong một căn phòng, thực tập ngồi thiền và đi kinh hành.

Mỗi sáng, tôi im lặng đi lấy thực phẩm chỉ một lần. Vào mỗi một hay hai ngày, tôi rời phòng đi gặp vị thầy của tôi khoảng 15 phút để trình pháp, nói về sự thực tập của mình. Ngoài những việc ấy thì tôi lại ngồi thiền một tiếng, đi kinh hành một tiếng, ngồi một tiếng, đi một tiếng, từ 18 đến 20 tiếng mỗi ngày. Nói chung thì sự thực tập chính là làm cho mình an tĩnh lại, chú ý đến bất cứ việc gì khởi lên và đặt tên cho nó. Sợ hãi, ham muốn, run sợ, toàn thân tan rã, cô đơn, hơi thở thanh nhẹ - ta chỉ đơn giản nhận diện và gọi tên nó, mỗi lúc một rõ rệt và chính xác hơn, khi chúng vừa mới khởi lên. Những tháng đầu thực tập sẽ là những cơn bão lớn của cảm xúc, lẽ dĩ nhiên là vậy, nhưng mục đích của sự thực tập là làm sao ta có thể bắt đầu nhìn vượt qua khỏi những hình tướng bên ngoài của những kinh nghiệm thuộc giác quan, để thấy được chân tướng của mọi hiện tượng trong cuộc đời.

Có thời gian tôi tu tập với một vị tu sĩ trong một tu viện, thực tập theo phương pháp thiền định tập trung vào bộ tim, như là tụng niệm, trì chú, quán tưởng, quán tâm từ… mỗi ngày từ sáng cho đến khuya. Tôi sẽ trình bày thêm về kinh nghiệm này sau.

Ở một tu viện khác, tôi thực tập về một phương pháp quán chiếu, có nghĩa là thay đổi tiến trình nhận thức và suy nghĩ của mình, như là cứ tự hỏi mình, lặp đi lặp lại câu hỏi ấy để quán chiếu. Nói chung thì tôi đã có dịp thực tập qua nhiều pháp môn khác nhau, và tôi trình bày tuy ngắn gọn, nhưng tôi nghĩ nó có thể giúp quý vị hiểu hơn về những gì tôi sắp chia sẻ.

Nguồn     : Internet
Tác giả     : Nguyễn Duy Nhiên
Kiểu tập tin     : MP3
Độ lớn tập tin     : 600MB



DOWNLOAD:
http://www.mediafire.com/?tlx3swbyvmm6j
(Pass: thuvienso.info)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét