Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Truyện ngắn số 61: Ao làng




Truyện ngắn của VŨ ĐẢM

Ao làng nằm ở đầu làng, cạnh con đường chính của làng. Ao rộng và sâu, chỗ nông nhất người lớn lội cũng ngập đến bụng. Nước ao trong vắt, là nguồn nước ăn của dân làng, là môi trường sống bình yên của lũ tôm, cua, cá. Ao còn là nơi thoát nước về mùa mưa, là lá phổi khổng lồ điều hoà khí hậu về mùa hè để cho làng thêm trong lành, mát mẻ.

Vào ngày hội làng, chín cô thiếu nữ được tuyển chọn với những tiêu chuẩn hết sức khắt khe, xinh nhất làng và đặc biệt phải còn trong trắng, đội chín bình nước lấy ở ao làng vừa đi vừa múa đến đền Thành hoàng để các cụ tắm rửa cho Thành hoàng. Thành hoàng là một viên tiểu tướng, trong một trận đánh, đạo quân của ông bị quân giặc đánh bại, không để rơi vào tay giặc, ông đã trẫm mình xuống ao làng. Quá căm thù ông vì đã chỉ huy quân lính anh dũng đánh trả làm cho quân giặc chết rất nhiều nên tên tướng giặc đã xua quân lính xuống ao mò xác ông, hòng vớt lên băm nát để trả thù nhưng mò tìm mãi chẳng thấy. Tên tướng giặc tức giận nhảy ùm xuống ao, tiếp tục hò hét bọn lính mò tìm bằng được xác ông; đang lặn ngụp, bỗng tên tướng bơi nhanh vào bờ, ôm cổ kêu rống lên, thì ra một con cua càng to tướng đã cắp đúng vào yết hầu của tên tướng. Bọn giặc cho rằng ao làng có ma nên sợ hãi bơi hết vào bờ. Khi bọn giặc vừa đi khỏi làng, xác ông nổi lên, gió đưa bồng bềnh như thể một người đang bơi ngửa. Dân làng vớt xác ông lên, khâm liệm, làm đám ma linh đình và chôn ông ngay trên mảnh đất hình thang ở cạnh ao làng. Cũng từ đấy, ao làng có một đặc điểm kỳ lạ pha chút huyền bí là rất nhiều cua. Đi trên đường, người ta có thể nhìn thấy những con cua càng to, mình đen bóng bò lổm ngổm trên các đám bèo, cành sen hay bụi cỏ mọc quanh bờ ao. Vào những trưa hè nóng nực, người ta còn thấy vô số con cua bò lên mặt đường làng, giương đôi mắt đen bóng nhìn đất, ngắm trời. Ngày tôi còn là trẻ trâu thì chị Xuyến đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Chị, mặt trái xoan, dáng thắt đáy lưng ong, da trắng, đặc biệt chị có mái tóc đen dài chấm gót. Mỗi lần gội đầu, chị đều phải nhờ thêm một người nữa phụ giúp. Chị là niềm tự hào, kiêu hãnh của làng. ở làng, từ người già đến lũ trẻ trâu chúng tôi không ai là không yêu mến chị; chị không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết. Riêng tôi, tôi ngưỡng mộ chị đến độ thầm nhủ lớn lên nhất định sẽ bảo mẹ đến hỏi chị làm vợ! Tất nhiên tôi chẳng bao giờ thực hiện được ý định ngu ngốc của mình cho dù chị có trẻ mãi không già, đơn giản là vì chị không quan tâm đến chuyện chồng con. Chị Xuyến bán bún riêu cua ở chợ làng, mỗi lần theo mẹ đi chợ, tôi đều bắt mẹ dẫn lại hàng chị ăn bún. Bún riêu của chị ngon, rẻ nên rất đông khách. Tôi vừa ăn vừa ngắm chị. Một lần mải mê ngắm chị, tôi đánh rơi bát bún xuống chân, bị bỏng mất mười hai ngày mới khỏi. Mẹ tôi sợ quá không cho tôi ăn bún nữa nhưng khi có ai cho tiền, tôi đều lén mẹ ra hàng chị ăn bún. Sau này, khi đã sống ở thành phố, mỗi lần về quê, tôi đều không quên ra hàng chị làm một tô bún riêu. Một dạo tôi đưa cô vợ mới cưới người Hà Nội về quê và hùng hồn bảo sẽ chiêu đãi nàng một món ăn đặc sản cả nước này, cả thế giới này chỉ làng tôi mới có! Tôi đưa vợ ra chợ làng, vào hàng bún riêu của chị Xuyến gọi hai tô. Nhìn thấy vợ chồng tôi, chị Xuyến mỉm cười bảo tôi dẫn vợ về trình làng đấy à? Tôi đáp vâng, kèm theo một câu nói đùa, không phải dẫn về trình làng mà dẫn về để thưởng thức món bún đặc sản của chị! Chị khen vợ tôi trông xinh và phúc hậu. Lời khen của chị làm mũi tôi phổng lên, nhưng nếu làm phép so sánh với chị, cùng lắm vợ tôi chỉ bằng bốn phần mười thời con gái của chị. Bây giờ chị đã đứng tuổi, mặt có nếp nhăn, duy chỉ có mái tóc của chị vẫn đen và dài. Tôi thấy chị vẫn đẹp, đẹp như ngày nào tôi muốn cưới chị làm vợ! Trong lúc ăn, một ý nghĩ vớ vẩn, hết sức thô tục đến với tôi. Tôi nghĩ, chị đã hơn bốn mươi tuổi, chị vẫn chưa chồng, không biết chị có còn trinh không? Mặt tôi đỏ rực lên, tôi đưa mắt nhìn chị, bắt gặp ở chị một ánh mắt dịu dàng, ấm áp. Chị không biết được ý nghĩ của tôi. Song tôi cảm thấy mình mắc tội lớn với chị. Tôi xuất thân từ một người nông dân, tôi sinh ra ở làng, lẽ nào tôi lại không tin những người dân quê! Ăn bún xong, tôi móc túi, lấy tiền trả chị, chị gạt tay tôi không nhận, chị bảo chị chiêu đãi người thành phố. Tôi hiểu tấm lòng chân thành của chị nên cất tiền đi. Một điều có thể chị không nghĩ đến nhưng tôi rất lấy làm hãnh diện, hành động của chị đã làm đẹp mặt tôi trước cô vợ mới cưới, như ngầm bảo với nàng rằng tôi là kẻ được người làng trọng nể! Khi chúng tôi ra về, chị dặn nếu rảnh rỗi đưa vợ đến nhà chị chơi. Tôi cám ơn chị rồi đưa vợ về nhà. Trên đường đi, vợ tôi bảo có phải món bún riêu vừa ăn đó là đặc sản cả nước, cả thế giới chỉ ở làng mới có đó phải không? Tôi đáp, phải. Vợ tôi cười phá lên, bảo tưởng gì chứ bún riêu ở thành phố có mà đầy rẫy. Ngực tôi nhói đau, tôi suýt cho nàng một một lời mỉa mai, nhưng chợt nghĩ, nàng là người thành phố, nàng không sinh ra ở làng quê, nên không thể hiểu được những người dân quê. Trong mỗi bát bún riêu, ngoài công sức của chị, còn chứa đựng những giá trị không thể quy ra bằng tiền bạc. Năm chị hai mươi tuổi, mẹ chị bị liệt nửa người, hàng ngày chị phải ra ao làng mò cua đem ra chợ bán, lấy tiền nuôi gia đình, thuốc thang cho mẹ. Cua quá rẻ vì nhiều người bán. Chị nghĩ cách lên thị xã học làm bún riêu rồi mở hàng bán bún riêu ở chợ làng. Những ngày đầu mở hàng, chị gặp khá nhiều phiền toái. Bấy giờ huyện là lá cờ đầu của toàn tỉnh trong việc tập thể hoá, mọi cái đều là tập thể, hợp tác xã nên chính quyền không muốn cho chị mở quán bán bún riêu nhưng cảnh ngộ gia đình túng bấn, cha ở mặt trận, hai em đang đi học. Xã họp bàn, xin ý kiến huyện mãi, chị mới được mở hàng. Tuy vậy thỉnh thoảng xã vẫn cho người đến kiểm tra xem có đúng là chị dùng tiền lãi vào việc đong gạo, mua thuốc cho mẹ không! Họ sợ chị tích luỹ, làm giàu để trở thành Tư bản! Những ngày còn được mẹ cho đến hàng chị ăn bún riêu, tôi đều thấy anh Thương giúp chị gánh bún, rửa bát. Anh Thương ở cuối làng, không có họ hàng thân thích gì với nhà chị, lại đến giúp chị, tôi thấy lạ quá liền hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo anh Thương mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh sống với bà nội, năm ngoái bà anh chết, thương anh bơ vơ, chị đưa anh về nhà ở. Anh Thương người cao to, đẹp trai, nước da màu đồng thau đỏ au, đôi mắt lúc nào cũng u buồn như chực khóc. Gánh bún, rửa bát cho chị được ba năm, anh Thương được một người chú họ đưa lên thành phố làm nghề bốc vác. Con gái ông giám đốc phải lòng anh. Năm sau anh cưới vợ, chuyển ngành. Không hiểu do bận mải công tác hay do mặc cảm về thân phận hồi nhỏ mà không thấy anh về làng cũng chẳng thấy thư từ gì. Anh Thương đi, hai người em thay nhau giúp chị làm công việc của anh Thương. Được bốn năm họ cũng lần lượt ra đi, cô em gái lấy chồng còn cậu út ra trận. Ngày tiễn con trai lên đường, mẹ bảo chị:

- Bệnh tình của mẹ đã khỏi, các em đều trưởng thành, chữ hiếu như vậy con đã làm trọn, giờ con hãy nghĩ đến chuyện chồng con đi!

- Đàn ông nhà ta đều ra trận, con phải thay cha, thay các em phụng dưỡng mẹ. Ngày cha ra đi, mẹ hứa với con, mẹ sẽ cho con ở nhà với mẹ suốt đời, lẽ nào mẹ đã quên! Nói xong, chị muốn ôm chầm lấy mẹ, van mẹ đừng bao giờ nhắc đến chuyện chồng con của chị nữa. Mẹ chị rơm rớm nước mắt, bà đâu ngờ lời hứa vu vơ của mình với đứa con gái đầu lòng năm chị mười bốn tuổi, bây giờ bà phải buộc lòng thực hiện. Lời hứa, bà nói với chị vào ngày bà tiễn chồng ra trận. Khi chồng bà vừa ra khỏi nhà, chị lao vào ôm chặt lấy cha, kêu khóc không cho cha đi. Bà đã phải dỗ dành chị mãi, lúc sau chị mới buông chân cha. Nắm chặt tay mẹ, chị bắt bà phải hứa, nếu chị cho cha đi, bà sẽ cho chị ở nhà nuôi mẹ, chị không phải đi lấy chồng. Bà biết tính chị, mỗi lần bà nói mua cho chị cái gì hay cho chị đi chơi, chị đều bắt bà hứa và thực hiện bằng được nên khi nghe chị nói, bà đã hứa, một lời hứa cốt để cho chị bằng lòng để chồng đi đỡ khỏi vương vấn. Lời hứa ấy bà quên ngay sau đó nhưng chị đã không quên. Từ năm mười bảy tuổi đến nay, chị đã nhắc lại nó hàng trăm lần mỗi khi mẹ giục chị đi lấy chồng. Những người đàn bà có chồng con ra trận đều chung một niềm mong ước, chiến tranh sớm kết thúc để họ được sống xum vầy với chồng con. Mẹ chị cũng là người đàn bà trong số ấy nhưng nỗi mong ước của mẹ chị còn thêm một phần nữa, ngoài việc đoàn tụ, còn chuyện chồng con của chị. Khi những người đàn ông trong nhà đã khoác balô trở về, chị sẽ không còn lý do để từ chối chuyện chồng con. Chị tuy đã nhiều tuổi nhưng chị vẫn đẹp, vẫn có nhiều người khao khát được làm chồng chị. Tối nào mẹ chị cũng chống gậy lần mò sang nhà ông Trưởng để nghe đài bán dẫn. Đến nhà, vừa thấy ông, mẹ chị đã hỏi ngay: "Chiến tranh đã sắp xong chưa hả ông?". Ông Trưởng vặn to chiếc đài, gân cổ trả lời mẹ chị bằng cái giọng thuốc lào khàn khàn: "Sắp xong rồi, ta đang thắng nhớn". Mẹ chị tựa chiếc gậy vào tường, ngồi xuống giường, nghiêng đầu về phía chiếc đài đặt trên bàn, lắng nghe chương trình thời sự. Hơn tám giờ mẹ chị mới về. Thấy chị đang làm cua ở dưới bếp, bà không nói gì, chỉ đứng nhìn chị một lúc rồi lộc cộc lê đôi guốc lên nhà. Buông chiếc màn thô nhuộm nâu, mẹ chị lên giường nằm, nghĩ về những người đàn ông ra trận và những người đàn bà ở làng quê. Những người đàn ông ra trận, phải đối mặt với bom đạn, trực diện với cái chết. Còn những người đàn bà ở quê, phải đối mặt với cái chết vô hình, ấy là sức lực tràn trề của tuổi thanh xuân luôn khát khao được ái ân với chồng nhưng đêm đêm phải chết mòn trong tiếng thở dài mong đợi. "Chiến tranh thật là khủng khiếp!". Vào cái đêm cuối cùng của chiến tranh, mẹ chị đã thốt lên như vậy sau khi nghĩ về những người đàn ông ra trận và những người đàn bà ở làng quê, rồi mẹ chịu lặng lẽ ra đi. Sau cái chết của mẹ, tóc chị bạc và rụng đi rất nhiều. Chị tìm mọi cách để cứu vớt mái tóc dài bấm gót của mình mà chẳng thể cứu được. Mỗi lần chị chải đầu, từng nắm tóc tuột ra cuốn chặt lấy lược. Một tháng mười chín ngày, đúng bốn mươi chín ngày mẹ, tóc chị thôi rụng. Mái tóc dài mượt mà ngày nào của chị bây giờ chỉ còn lưng lửng ngang lưng. Người làng quá quen thuộc hình ảnh chị ngồi hong tóc trên chiếc sào dưới bóng cây mít, nay không còn thấy nữa, ai cũng thấy ngẩn ngơ như vừa mất đi một vật gì quý giá. Con bé Hằng cạnh nhà mà chị thường nhờ phụ giúp gội đầu, đã khóc sưng mắt khi thấy mái tóc ngắn ngủn của chị. Chị đã phải động viên, an ủi nó, rằng mái tóc của chị thương xót mẹ nên rụng đi ít hôm, chỉ vài ba bữa nữa nó lại đen, lại dài ra. Khóc nhiều, tóc thương nhớ mẹ sẽ không dài ra nữa. Con bé tưởng thật, thôi không khóc nữa, bắt chị cho nó mớ tóc rụng, hàng ngày trải ra giường, buộc chặt một đầu, ngồi tết tóc đuôi sam. Ngay cả tôi, khi ra hàng chị ăn bún riêu, nhìn tóc chị, nước mắt tôi cũng đã nhỏ xuống cả bát bún. Mái tóc chị đã một lần cứu sống tôi và thằng Tý khi chúng tôi còn là những đứa trẻ trâu. Đó là những ngày hè lộng gió, chúng tôi ngồi vắt vẻo trên lưng trâu từ cánh đồng về nhà, bắt gặp chị đi ngang qua ao làng thì thôi rồi, cho dù cả lũ chúng tôi có đang chí choé cãi nhau về vấn đề gì cũng đều im bặt, phóng mắt nhìn vào sau lưng chị. Từ đấy, một làn tóc đang chấp chới bay trong gió, lúc lên cao, lúc sà xuống, khi tụm thành một dải dài, khi xoè ra như một chiếc quạt giấy khổng lồ. Cũng một chiều hè, khi lũ chúng tôi đang "ngự" trên lưng trâu ngắm làn tóc chị bay trong gió thì đột nhiên thằng Tý cưỡi con trâu đi đầu, người cao kều như cái sào chị hay hong tóc, bị con ve trâu đốt ở sau lưng, giơ tay vỗ trượt, mất đà lăn tõm xuống ao làng. Tôi bị mái tóc của chị làm mê mẩn nên không kịp nghĩ đoạn ao này rất sâu. Từ lưng trâu, tôi nhảy xuống ao, định thực hiện một hành động nghĩa hiệp, cứu thằng Tý. Nhưng hỡi ôi lúc xuống ao rồi, tôi chẳng biết Tý với Tẹo gì nữa mà chỉ thấy toàn nước là nước ồng ộc chảy vào mồm mình. Khi chúng tôi sắp bị Hà bá nhấn chìm thì tay chúng tôi quờ quặng được một đám dây rợ lùng nhùng. Đám dây rợ cứu sống chúng tôi chính là mái tóc của chị Xuyến. Chị đã nhảy xuống ao, nước sâu ngập đầu, chị bám vào một rễ cây, nhúng ướt mái tóc của chị, quăng về phía chúng tôi. Chẳng biết có phải do ngưỡng mộ mái tóc dài của chị hay để trả ơn mái tóc chị đã cứu sống mình mà thằng Tý đã thề sống chết với chúng tôi, nhất khoát sau này lấy vợ, nó sẽ chọn một cô có tóc dài. Lời thề sống chết này, thằng Tý thực hiện một cách triệt để. Ngày nó rục rịch chuẩn bị ra trận, mẹ nó muốn nó cưới cấp tốc một cô vợ nhưng dẫn đi xem mặt mấy đám, thằng Tý đều lắc đầu chỉ vì mấy cô tuy xinh xinh đấy nhưng tóc lại ngắn ngủn ngang lưng! Thằng Tý ra đi, người mẹ ở nhà đi khắp các làng lân cận tìm một người con gái tóc dài dấm trước cho nó. Tìm mãi mới được một người con gái tóc dài, tất nhiên chẳng thể sánh được với tóc của chị Xuyến, dù sao chỉ dài đến đầu gối chân cũng là lý tưởng lắm rồi. Người mẹ sung sướng biên thư báo tin mừng cho con, thư gửi hôm trước, hôm sau nhận được giấy báo tử của thằng Tý. Chiến tranh kết thúc, hai người đàn ông nhà chị ra trận chỉ có một người trở về, người ấy là cha chị. Ông đeo huân chương, ông là thương binh, là anh hùng. Mất hai ngày chống nạng đi thăm hỏi bà con trong làng, ngày thứ ba ông mới có thời gian trò chuyện với chị. Ông bảo: - ở chiến trường cha đã biết tất cả, mẹ viết thư nói hết với cha. Bây giờ cha đã về, con tính sao? Nhìn cha với ánh mắt cầu khẩn, chị đáp: - Mẹ đã mất, em đã hy sinh, con chỉ xin cha cho con ở nhà để phụng dưỡng cha. Cha chị không nói gì, ông thấu hiểu được tấm lòng của con gái, người mà ông không những yêu mến mà còn cảm phục. Chị đã thay ông làm trụ cột gia đình. Chị là điểm tựa tinh thần to lớn của ông. Ông thường nói với đồng đội, sở dĩ ông lập được nhiều chiến công, trở thành anh hùng là do ông có một hậu phương vững chắc. Hậu phương ấy chính là "thằng con trai" đầu lòng của ông! ứơc nguyện của chị là vậy, vợ ông và cả ông đều không muốn, nhưng ông làm sao có thể ngăn cấm được khi mà vào tuổi mười bốn, cái tuổi còn non trẻ, chị đã quyết chí suốt một đời tôn thờ chữ hiếu. Từ đôi mắt nâu của ông, hai giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống. Chị chạy ra sân lấy khăn mặt lau nước mắt cho cha. - Cha là anh hùng, sao cha lại khóc? - Chị nói, mắt chớp mấy cái, cố kìm nén không cho nước mắt của mình trào ra. Nắm chặt bàn tay chị, cha chị bảo: - Cha sinh ra con, con sinh ra sự anh hùng của cha, con cùng là anh hùng! Chị đưa mắt nhìn cha, cảm thấy mình vẫn nhỏ bé như ngày nào sà vào lòng cha bắt ông kể lại câu chuyện dìm chết tên quan ba Pháp ở ao làng. Chuyện này xảy ra vào hồi quân Pháp còn đóng quân ở bốt Cầu Kè cạnh ao làng. Tên quan ba khét tiếng tàn ác, thường bắt cóc những cô gái đẹp trong làng đưa về bốt để hãm hiếp. Đội du kích giao nhiệm vụ cho cha chị tìm cách trừ khử hắn. Biết được tên quan ba có thói quen tắm truồng ở cầu ao làng vào những buổi tối mùa hè, đêm đêm cha chị ra con sông ở ngoài đồng tập dượt. Một đêm, gần sáng trời nổi cơn dông tối đen mù mịt, cha chị lần ra ao làng, núp mình dưới một đám bèo tây, ăn cơm nắm gói trong túi bóng, uống nước ao, đợi đến chập tối tên quan ba ra tắm, ông lặn lại cầu ao cầm chân lôi tuột hắn ra giữa ao. Bọn lính gác trên bờ không dám bắn vì sợ trúng tên quan ba, chúng chạy về bốt lấy thuyền con ra cứu, ra được đến nơi thì tên quan chỉ còn là cái xác không hồn. Còn cha chị đã bơi qua bên kia trốn thoát. Cởi bỏ bộ quần áo anh hùng, cha chị lại trở về với cuộc sống của một người nông dân. Tối tối, ông ngồi bên ngọn đèn kều gạch cua giúp chị. Công việc này, ông làm một cách viên mãn. Những con cua ở ao làng chẳng những đã cứu giúp gia đình ông mà còn cứu thoát cả làng khỏi nạn đói năm ất Dậu. Cảnh tuợng hàng trăm người, hình hài chỉ là bộ xương bọc da, quần áo tơi tả, lặn ngụp xuống ao làng mò cua, bắt được con nào cho vào mồm nhai ngấu nghiến, mãi mãi còn ghi dấu ấn trong tâm trí ông. Ông thấy đất nước này thật kỳ lạ, ngay cả đến những cái ao làng khiêm nhường cũng tạo nên sự vĩ đại của dân tộc và trong ông đã xuất hiện một ý tưởng, đề nghị Sở Văn hoá- thông tin cấp bằng di tích Lịch sử- văn hoá cho ao làng ông. Một ý tưởng đầy nhân văn, hướng về quá khứ của ông suýt nữa thì bị phá sản bởi sự trở về của Thương. Cuộc tìm về cuội nguồn đột ngột của Thương theo mệnh lệnh của vợ sau khi thị đi xem bói về mồ mả gia đình chồng, đã gây xáo động to lớn cho làng bằng việc lấp ao làng. Chả là trong chuyến về cố hương này, Thương có đến thăm ủy ban xã, thấy trụ sở làm việc chỉ là nhà mái ngói cũ kỹ, Thương bảo: - Uỷ ban xã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của làng mà ọp ẹp thế này thì làm sao thể hiện được quyền lực với dân! Chủ tịch xã Kiện kính cẩn nói với Thương không có kinh phí. Thương phẩy tay: - Làm tờ trình đi, tôi sẽ ký duyệt. Quê hương thì phải ưu đãi chứ! Và cái phẩy tay của Thương đã biến ngôi nhà ngói cấp bốn thành ngôi nhà ba tầng uy nghi lộng lẫy. Trước ngày khánh thành, đích thân chủ tịch xã mang một tạ gạo tám thơm, một tạ gạo nếp, nửa tạ gà lên thành phố, gọi là có chút quà quê hương tạ lễ và mời Thương về cắt băng khánh thành, tiện thể dự hội làng luôn cho tăng phần long trọng. Vợ Thương nhất định không cho chồng về. Gạn hỏi mãi, vợ Thương mới tiết lộ, gần đây có nằm mơ thấy xe ô tô của Thương bị lao xuống ao làng, cả hai vợ chồng đều chết đuối. Nghe vừa dứt lời, Kiện hồ hởi bảo. - Chị yên tâm, em sẽ cho dân làng ra đứng dọc bên đường tiếp giáp với ao làng làm cột mốc. Vợ Thương vẫn không bằng lòng với biện pháp có một không hai này của Kiện, bảo lần này còn lần khác, chả nhẽ sau này, mỗi lần về thăm quê, hương khói cho các cụ lại bắt dân ra đường làm cột mốc! Kiện lấy làm buốn lắm, Thương không về nữa có nghĩa là các khoản ưu đãi không còn, sẽ chẳng còn cái để chấm mút. Nguyên nhân chỉ là cái ao làng, thật vớ vẩn, tại sao lại không lấp quách nó đi! Đấy cũng là khoản kiếm ăn, làm giàu được. Còn nước tắm cho Thành hoàng, chỉ cần xây một cái giếng là thừa thãi. Vui mừng vì tìm ra được giải pháp tốt đẹp, Kiện thấy người mát mẻ, khoan khoái như ngày còn là trẻ trâu ra tắm truồng ở cầu ao làng được xây dựng bằng những phiếm đá phẳng lì. Kiện tức tốc trở về quê để thực thi ngay cái sáng kiến đã được vợ chồng Thương nhiệt liệt tán thành. Nó không những xoá bỏ hoàn toàn nỗi lo chết đuối của vợ Thương mà còn giúp Thương xoá bỏ được tận gốc hình ảnh ngày nào Thương gánh bún, rửa bát cho chị Xuyến. Ngày thương về làng, những người nông dân chuyện trò với nhau, họ bảo: " ồ, có ai ngờ cái thằng Thương ngày xưa vẫn đi chân đất, gánh bún, rửa bát cho con Xuyến bây giờ lại làm to đến thế !". Đó là lời khen chất phát của dân làng, muốn ca ngợi chí tiến thủ của Thương nhưng Thương lại cho đó là một sự xúc phạm! Vì thế khi nghe sáng kiến tuyệt vời của Kiện sẽ lấp ao làng để cho tư nhân thuê mặt bằng, xây quán bán hàng, Thương lại phẩy tay: "Cứ làm tờ trình đi, tôi sẽ ký!". Ngày khởi công lấp ao làng, xảy ra một hiện tượng lạ chưa từng thấy, hàng đàn cua chen chúc nhau leo lên bờ. Người làng đổ ra xem rất đông. Đám thanh niên bảo chúng chạy trốn cái chết còn người già bảo hình như chúng muốn gửi đến con người một thông điệp gì đó thì phải? Gần một trăm nhân công được huy động để chở đất lấp ao nhìn thấy cảnh tượng này đều sợ hãi ,không ai dám là người hất xẻng đất đầu tiên xuống ao. Hò hét mãi chẳng được, chủ tịch Kiện tức giận, cởi phăng quần áo dài; trong bộ trang phục quần đùi, áo may ô, Kiện phăm phăm đi đến bên đống đất, giằng lấy xẻng từ tay một thanh niên, xúc đất hất một cái thật mạnh xuống ao. Chả hiểu sao cái xẻng tuột khỏi cán làm Kiện mất đà ngã chúi xuống ao. Sau khi uống no một bụng nước, Kiện được mọi người cứu đưa lên bờ. Bỗng Kiện ôm bộ hạ kêu rống lên. Người ta vội vã cởi quần đùi cho Kiện, than ôi cái của quí của Kiện đã gần như sắp lìa ra bởi đôi càng to, khoẻ của một con cua càng đen bóng. Không ai bảo ai, tất cả cán bộ xã và đám nhân công được xã thuê để lấp ao làng đều lủi sạch.Chủ tịch Kiện đã lên tận Hà Nội để khâu lại cái của quí của mình, chẳng biết nó có lành lặn lại được không nhưng sau này người làng hay nhìn thấy cô vợ trẻ đẹp của Kiện lén lút đến nhà của một gã hoạn lợn; gã khoẻ đến độ một mình bê được cả con lợn nặng gần một tạ đi phăng phăng như mấy bà cắp cái thúng không đi chợ làng. V.Đ

( Truyện đã in trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam; Báo Nhân dân và phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói Việt Nam vv...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét