Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP THỜI TRẺ


Tác giả :Phạm Hồng Cư
Dịch giả : ...
Nhà xuất bản :Thanh Niên
Năm xuất bản :2008
Tổng số trang :156
Kích thước :14.5x20.5
Lượt xem :10879
Giá: 62000VND

Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lâu nay đã trở thành một huyền thoại; là sự ngưỡng mộ, kính yêu của biết bao nhiêu người Việt Nam và trên thế giới. Ông là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo chí nước ngoài đã ca ngợi ông như một nhân vật lẫy lừng “làm thay đổi cục diện của châu lục”, một trong những danh tướng của thế kỷ XX… Tuy nhiên, chưa nhiều người biết về thời trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Con đường nào đã dẫn ông đến với cách mạng? Và tuổi trẻ của ông đã nỗ lực như thế nào để trở thành người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một vị tướng tài ba, lỗi lạc, một anh hùng của dân tộc Việt Nam tiếp sau những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung,…

Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” đã phần nào giúp bạn đọc hình dung ra những năm tháng gian lao tìm đến với cách mạng, hoạt động hăng say, tù ngục và phấn đấu trưởng thành của một người con ưu tú của đất nước. Sách được chia thành 3 chương: Quê hương, gia đình và tuổi thơ; Tuổi thiếu niên và Bước vào đời. Theo đó, trong chương 1 là những câu chuyện về ngày sinh, gia đình, những năm tháng học tập tại quê hương của Đại tướng (làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được kể lại với nhiều tư liệu hấp dẫn, thú vị. Ở chương 2, các tác giả giúp người đọc biết thêm về bạn bè cùng chí hướng, và cuộc gặp lại bài vè năm xưa, rồi tủ sách của cụ Phan Bội Châu hứa tặng, chuyện khước từ hôn nhân với một cô gái con nhà giàu có... Chương 3 kể lại chuyện sinh hoạt Đảng Tân Việt; chuyến đi đầu tiên đến Sài Gòn; lần đầu ra Bắc; tình yêu đến; gặp gỡ trong tù...

Trung tướng Phạm Hồng Cư-tác giả cuốn sách-tâm sự: Rất nhiều chiến sĩ, cựu chiến binh, người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế có nhu cầu tìm hiểu về tuổi trẻ của Đại tướng, người mà họ hằng yêu mến và kính phục. Bởi, những tư liệu về Đại tướng từ khi gặp Bác Hồ và trở thành người học trò xuất sắc của Người thì nhiều sự kiện lịch sử đã rõ, kể cả sách báo nước ngoài cũng đã viết nhiều. Nhưng thời trẻ của Đại tướng thì hầu như chưa có mấy tư liệu. Xuất phát từ ước mong và tâm niệm ấy, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã quyết tâm làm một cuốn sách về thời trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông bắt tay viết những dòng đầu tiên từ năm 1995, khi chính thức được nghỉ hưu. Công việc sưu tập tư liệu, hình ảnh của Tướng Giáp thời trẻ là rất khó khăn, bởi trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều tư liệu đã bị thất lạc. Trung tướng Phạm Hồng Cư phải vào tận Quảng Bình, gặp gỡ những người cùng thời, từng học tập, hoạt động với Đại tướng để nghe họ kể chuyện, nhất là những câu chuyện của đồng chí Võ Thuần Nho, em trai của Đại tướng, nhằm làm rõ những năm tháng ấu thơ, thân thế gia đình họ mạc, quê quán của Đại tướng. Ông cũng lặn lội vào Huế, tìm đến nhà tù nơi Đại tướng bị bắt giam cùng Giáo sư Đặng Thai Mai (người thầy, người đồng chí, sau này là cha vợ của Đại tướng) và đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (em gái Nguyễn Thị Minh Khai-mối tình đầu của Đại tướng) để đối chiếu, xác minh, chắp nối các sự kiện…

Đặc biệt, với sự cộng tác của bà Đặng Bích Hà (con gái Giáo sư Đặng Thai Mai, phu nhân của Đại tướng), ngày tháng năm sinh của Đại tướng được hé màn bí mật. Bấy lâu nay, báo chí phương Tây với nhiều viện dẫn, nhiều luận cứ, mỗi người đều bảo vệ lập luận của mình, khiến cho năm sinh của Đại tướng dao động từ 1910 cho đến 1912. Tuy nhiên, bà Đặng Bích Hà đã căn cứ vào lời nói của mẹ đẻ Đại tướng với một chân lý không thể chối cãi, đó là: “Biết ngày sinh của con không ai bằng mẹ”. Từ đó, sinh nhật của Đại tướng được khẳng định là ngày 25-8-1911, tuổi Tân Hợi.

Miệt mài gần chục năm, cộng với những bức thư, hình ảnh được lưu giữ trong gia đình Đại tướng hơn nửa thế kỷ, những bài viết của Trung tướng Phạm Hồng Cư được đăng tải nhiều kì trên báo Tiền phong. Cho đến năm 2004 được tập hợp thành cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, do NXB Thanh niên ấn hành. Ông rất mừng vì lần này NXB Thanh niên đã tái bản cả tiếng Việt và tiếng Anh, với hình bìa là ảnh của Đại tướng năm 1930 khi bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) mà ông tìm thấy trong sở mật thám Pháp. Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng cho biết thêm: “Bản dịch tiếng Anh của nhà văn Lady Borton được nhiều người đánh giá cao, vì vừa sát ý, lại có giọng văn trong sáng, giản dị. Bà Lady Borton sống và làm việc lâu ở Việt Nam, từng có hai cuốn sách về Việt Nam, đồng thời là chủ biên của rất nhiều các cuốn sách song ngữ về văn hóa Việt Nam. Bà là tác giả cuốn Hồ Chí Minh-chân dung một con người. Mới đây, bà đã dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế”…

Mời bạn đón đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét