Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Truyện ngắn 135: Những cánh thư vun đắp ước mơ



Lời tác giả: Gần 10 năm làm việc trong ngành, gần 10 năm phấn đấu không ngừng nghỉ, tôi luôn nhận thức được những gì mình đang làm, đang có và đang hướng tới. Tôi cũng biết rằng, cuộc đời không thể thiếu những ước mơ và mơ ước được xây nên từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất, bình thường nhất. Tôi không ngoại lệ, tôi đã xây ước mơ của mình trên những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ.....



Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê trù phú bên dòng sông Đáy hiền hòa ngày đêm miệt mài bồi đắp phù sa màu mỡ nuôi những cánh đồng quanh năm xanh tốt, tuổi thơ tôi êm đềm trôi đi tuần tự qua bốn mùa cây thay lá, qua những mùa nước nồng nàn xanh tốt của bãi mía bờ dâu, với ngô khoai đủ đầy và sự cần mẫn của con nước khi thì êm đềm trong xanh, khi lại dâng cao đỏ ngập.

Ngày ấy, cuộc sống của một đứa trẻ như tôi thật tuyệt với với biết bao ước mơ và hoài bão, biết bao niềm vui và những niềm hân hoan vui sướng dù rất nhỏ bé nhưng đã là hành trang theo tôi đến tận bây giờ và có lẽ sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời.

Bố tôi là bộ đội, cả một thời trai trẻ xông pha nơi trận mạc để đòi lại từng tấc đất cho tổ quốc, mẹ tôi là giáo viên ngày ngày cần mẫn với phấn trắng bảng đen mang những câu thơ, những áng văn trên bục giảng và tình yêu của bố mẹ được vun đắp bằng những cánh thư. Cuộc sống của chúng tôi cứ êm đềm trôi đi với những hạnh phúc bình dị như thế và hơn thế nữa là những cánh thư của những người đang ở xa chúng tôi cả trăm, cả ngàn cây số thậm chí ở tận nước Nga xa xôi cứ đều đặn gửi về tổ đểm và vun đắp cho tâm hồn tôi những yêu thương, những ấm áp của tình cảm gia đình, anh chị em, bè bạn, chiến hữu, đồng đội…

Tôi không thể quên những đêm trăng sáng nằm gối đầu lên chân mẹ nghe bức thư từ Sài Gòn gửi ra, từng câu từng chữ mẹ đọc thấm đẫm những nhớ thương của người Bác đã di cư sinh sống trong đó, tôi cũng không thể quên những tấm bưu thiếp in hình ảnh những cánh rừng Thùy Dương bạt ngàn, những ngày Tuyết trắng phủ đầy ở tận nước Nga xa hàng vạn dặm và đặc biệt là những con tem rất đẹp khiến tôi luôn muốn cất giữ. Trên đó hình ảnh những cánh hoa tươi thắm, những vĩ nhân mà tôi được học trong sách lịch sử, những con vật nuôi trong nhà, những con thú hoang dũng mãnh luôn hiện lên rất sinh động và lý thú.

Tôi cũng rất tự hào với chúng bạn quanh nhà, bởi cả khu chỉ có mình nhà tôi là hay có thư, mỗi bận bác đưa thư cần mẫn đạp chiếc xe đạp cao cao có 2 túi phía sau xe đến đầu ngõ là tôi đã chạy ra đón, Bác tươi cười trao cho tôi một bức thư hay cái giầy mời nhận bưu phẩm hoặc đơn giản là tấm bưu thiếp. Tôi rất hạnh phúc và luôn mong chờ để được lắng nghe và đôi khi thấy mình bay bổng tuyệt vời vì được những người họ hàng, bạn bè của bố mẹ nhắc đến tên trong thư, được nghe lại những kỷ niệm khi tôi còn bé tý tẹo sống với mẹ và các cô các bác trong khu tập thể ở trường.

Thời gian trôi đi, những cánh thư qua lại vẫn đều đặn hàng ngày, hàng tuần, tôi lớn dần và cũng bắt đâu biết viết thư, tôi viết thư cho những người họ hàng của tôi, cho những người bạn của tôi một thời chung lớp chung trường nay vì điều kiện đã chuyển đi xa, nhờ những cánh thư ấy chúng tôi như được gần nhau hơn, như hàng ngày hàng giờ vẫn được kề cận bên nhau, thấu hiểu những khó khăn, chia sẻ những niềm vui dù lớn dù nhỏ trong cuộc sống.

Và rồi những năm tháng học trò cũng trôi đi, tôi không còn nhớ mình đã viết bao nhiêu bức thư, gửi bao nhiêu tấm bưu thiếp qua đường bưu điện, chỉ biết rằng, số thư và bưu thiếp tôi nhận được đã không thể đếm hết. Bác bưu tá đã già, đôi chân bác không còn nhanh như ngày xưa nhưng bác vẫn đều đặn đi qua cổng nhà tôi những buổi chiều. Bố tôi cũng mất đột ngột trong một cơn tai biến, mẹ tôi nghỉ hưu và vẫn giữ thói quen liên lạc bằng những cánh thư. Ngày bố mất, ngoài những vòng hoa tang cơ quan, bạn bè bố ở gần đưa đến, tôi còn nhận được sự chia sẻ đầy ý nghĩa và kịp thời của những bức Điện hoa. Hôm ấy, các anh chị ở Bưu điện gần nhà đã giúp những người bạn, những người đồng chí, đồng đội của bố mẹ tôi, của tôi chia sẻ nỗi đau thương mất mát bằng sự trang trọng khi thay mặt những người ở xa không thể về đưa tiễn.

Không biết tự khi nào, tình người trong Bưu chính cứ len lỏi trong tôi, tôi đã cố gắng học thật nhiều viết thật nhiều và làm việc thật nhiều khi tôi may mắn được là một Người Bưu chính. Tôi đã sung sướng hạnh phúc khi biết mình được cống hiến công sức và trí tuệ cho công việc mà tôi hằng mơ ước, có lẽ, chính những cánh thư, những con tem, những cảm thông chia sẻ của những con người Bưu chính mà tôi được tiếp xúc đã chắp cánh cho ước mơ được đứng vào đội ngũ đó của ngành, đã thôi thúc tôi cố gắng, thôi thúc tôi làm việc, cống hiến.

Đất nước thoát khỏi đói nghèo và ngày càng giàu có, đời sống người dân ngày càng đủ đầy, xã hội ngày càng phát triển. Công nghệ thông tin là lĩnh vực được coi là phát triển rầm rộ và nhanh chóng nhất. Sự chuyển biến của công nghệ nhanh đến chóng mặt buộc tất cả mọi người phải nỗ lực cuốn theo dòng chảy cuồn cuộn ấy nếu không sẽ bị hất văng ra ngoài vòng xoay tuyệt diệu ấy. Làm được điều này tôi biết, hàng trăm, hàng ngàn con người đang ngày đêm vất vả làm việc, nghiên cứu để tìm ra những giải pháp tối ưu đưa thông tin đến cuộc sống một cách nhanh nhạy nhất, chính xác nhất, an toàn nhất.

Tôi cũng đang cuốn vào vòng quay khổng lồ đó, tôi tự hào vì mình có thể đáp ứng và sử dụng thành thạo những luồng thông tin bổ ích để làm cho cuộc sống của tôi ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng dường như, tôi đã mất đi thói quen viết thư tay cho bạn bè. Đó cũng là một điều đáng tiếc nhưng bù lại, chúng tôi thế hệ 8x đang ngày đêm xây dựng tổ quốc biết trao đổi thông tin cho nhau bằng thư điện tử, bằng công nghệ số, bằng những ứng dụng mới nhất của khoa học kỹ thuật, bằng những dịch vụ ý nghĩa và thiết thực mà những người VNPT đang ngày đêm nghiên cứu phục vụ người dân.

Và một ngày, tôi bồi hồi xúc động khi nhận được một bức thư của một cô bé đang sống và học tập ở một nơi rất xa gửi về cho tôi sau khi tôi xuất hiện trên một chương trình truyền hình. Điều đó làm tôi rất bất ngờ và rất sung sướng, chỉ với một con tem giá 800 đồng đã tạo nên một niềm hạnh phúc lớn lao, qua lá thư ấy, qua những ngày làm việc thực tế ở một đơn vị cung cấp dịch vụ Bưu chính tôi thấu hiểu hơn những nhọc nhằn, những khó khăn, những cần mẫn của những con người Bưu chính. Họ đã, đang ngày đêm dùng sức lao động, dùng trí óc để tạo nên những phép thần kỳ của sự kết nối, mang đến những tình cảm ấm áp dạt dào hơn cả sự nhanh chóng của những bức thư điện tử.

Hôm nay, tôi trở về dòng sông Đáy ngày xưa, bao năm qua sông vẫn hiền hòa thế, bao năm qua sông vẫn cần mẫn bổi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng bốn mùa xanh tốt. Sông cũng như bác Bưu tá cần mẫn kia vẫn ngày ngày kết nối những tâm hồn thấm đẫm yêu thương bằng những cánh thư xa gần. Cho tôi sống lại những giây phút hạnh phúc, những khát khao cháy bòng, những yêu thương tràn ngập trong một đêm trăng sáng để đọc những cánh thư cũ viết nắn nót trên những trang giấy thơm mùi mực. Cho tôi được trở về ngõ nhỏ ngày xưa để chiều chiều ngóng chờ những phép màu từ bác đưa thư.

Cuộc sống của tôi chắc sẽ lạnh lẽo lắm, sẽ vô vị lắm khi thiếu đi những thông tin hữu ích, những cánh thư chứa chan tình cảm từ khắp mọi nẻo đường gần xa gửi về. Những cánh thư mỏng manh qua bao quãng đường dài đã vun đắp những ước mơ, những khát khao sống, khát khao cống hiến, khát khao xây dựng cuộc đời hạnh phúc trong tôi.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét