Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Blog Radio 263: Tặng những người con xa nhà



Thư gửi cha

Cơn gió đầu mùa lạnh lắm phải không cha?

Nơi xa quê, con chỉ biết gió mùa qua thông tin đài báo

Ruột gan con chưa hết đau, sau nhưng tháng ngày mưa bão

Giờ lại lo sức khỏe cha, trong đợt gió tràn về


Những lúc trở trời, cha đổ bệnh, lòng con thấy tái tê

Cơn ho khan hành cha, suốt đêm rướn người khó thở

Hồi nhỏ con vô tư nghĩ rồi thời gian, bệnh cha sẽ đỡ

Đâu có ngờ rằng, nó đã mãi mãi theo cha.


Mái ấm đơn sơ giờ bọn con cũng đã vắng nhà

Chỉ biết động viên cha qua những cuộc điện về nhà ngắn ngủi

Ở nơi quê, con biết cha, có những lần chạnh lòng, buồn tủi

Thế mà cha vẫn cười, bảo có sao đâu


Đêm, huyện vùng cao sương  giăng cả đêm thâu

Chiếc chăn mỏng manh, đắp ngang có làm cha đủ ấm

Cảnh một mình chăm lo bản thân, ít nhiều con đã thấm

Nên nghĩ tới đây, mắt con nước chực trào


Ở trong này, có những đêm, con ngước mắt tìm những vì sao

Để chọn cho mình một ngôi, ngồi ngắm lúc thiếu cha bên cạnh

Nhưng cha ơi!  đất thành phố răng mà sao không cánh?

Tìm ở chân trời, nhưng cũng chỉ thấy xa xăm



Ngồi trong căn phòng, nhìn ra con chỉ nghĩ tới cuối năm

Đất mình tuy nghòe nhưng tình cha vẫn ấm

Lạnh cuối đông chắc cũng yếu dần rồi ấm

Con sẽ về bên mái ấm… cha yêu.

(SG, cuối mùa mưa con mong sức khỏe cha hãy thật gìn giữ)
  • Gửi từ thính giả Đăng Hồng



  • Lá thư: Cha, người hùng thầm lặng trong tim con
Có một người cha giữ hai cuốn nhật ký viết về con gái. Trong đó có một cuốn anh viết khi con đang còn trong bụng mẹ. Chín tháng mười ngày trải dài trong 100 trang viết khắc khoải mong chờ đứa con đầu lòng.

Có một người cha giữ một kỷ vật trong hộp đồ nữ trang gia bảo. Đó là một miếng kẽm hình tròn có đục lỗ đeo dây. Trên cả hai mặt đều ghi chữ số 34. Ít ai biết vật này có giá trị gì mà anh sợ mất nó hơn bất cứ món nữ trang quý giá nào.

Những ngày đầu con gái chào đời là những ngày anh phấp phỏng "lẻn" vào phòng sơ sinh mỗi ngày chục bận, để âu lo dòm vào đứa bé mỏng mảnh đang nằm trong lồng kính và chưa chịu mở mắt. Đứa bé mang số 34. Và những lần cô hộ lý đưa con anh đi tắm là một lần anh mong ngóng hồi hộp nhìn con số 34 để biết chắc rằng con anh không bị "lạc". Ngày đón con từ bệnh viện về, khi thay áo cho con gái, anh mừng rú lên khi thấy người ta bỏ quên "vật báu" 34 vẫn còn đeo ở cánh tay con. Anh biết đó sẽ là vật quý còn theo anh mãi mãi.

Có một người cha khắc những vết khắc lên cột, vạch những vạch vôi lên tường để đo con gái lớn dần trong niềm vui và nỗi lo. Những vết khắc, vạch vôi là những bức tranh nhân bản đẹp tuyệt vời trong bất cứ ngôi nhà nào.

Có một người cha cứ trồng thêm một cây khi con thêm một tuổi. Và vườn cây cho con gái cứ nhiều lên trong hạnh phúc đớn đau của người cha, khi nghĩ về cái ngày con lên xe hoa về nhà người khác.

Tất cả những việc tưởng chừng như "ngớ ngẩn" của người cha dành cho con để làm gì?

"Để một ngày kia con về cùng hạnh phúc
Ba đôi lúc nhìn quanh cho đỡ nhớ nhà mình".

Câu thơ trên đã giải thích hộ cho mọi người cha yêu con gái, rằng đối với cha, con gái có ý nghĩa thân thiết ngự trị vào tất cả, là gia đình, là ngôi nhà. Đến mức nếu con gái không còn có con trong ngôi nhà này, thì có nghĩa là ngôi nhà cũng không còn, đã xa lạ như nhà của người khác mất rồi. May mắn sao những kỷ vật kia, những vạch vôi, vết khắc kia, "vườn cây-con gái" kia, là hiện thân của con qua năm tháng vẫn còn ở lại. Và thế là cha nhìn quanh, nhìn lên những "hiện thân" ấy để gặp lại một chút nhà mình, cho đỡ nhớ nhà mình.

Một ngày nọ vào bệnh viện, thấy một cô bạn gái đang đút cháo cho bố ăn, tôi chợt thấy thảng thốt với câu nói của nhà thơ Thanh Tịnh "Bố cho con ăn, con cười, bố cười. Con cho bố ăn, bố khóc, con khóc". Và câu tục ngữ xưa chợt vọng về trong tâm thức "cơm mẹ thì ngon cơm con thì đắng". Mới thấy vòng đời ngắn ngủi làm sao!


Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé
Để con đi…



Cha tôi khuất núi cũng khá lâu rồi, cha tôi hiền lành và chăm chỉ, rất trách nhiệm với gia đình. Khi tôi mới lọt lòng, mẹ bị bệnh nên không có sữa cho tôi, hầu như đêm nào cũng vậy tôi khóc ngằn ngặt vì đói. Cha tôi vô cùng vất vả để chăm sóc cậu "con trai háu đói" của mình. Mẹ tôi kể, hồi đó mỗi đêm cha dậy 9, hoặc 10 lần nấu bột để "chữa" tính xấu "háu đói" của tôi. Cha thường xuyên mất ngủ như vậy, nhưng sáng mai vẫn phải ra đồng tất bật với công việc của nhà nông.

Hồi tôi lên 6 lên 7 mỗi lần theo cha đi chơi tôi vẫn thường đánh đu vào cánh tay vững chắc của cha, hoặc tôi sẽ được ngồi trên cổ cha nhong nhong, những lần như vậy cha lắc lư người trong khi tôi cười khanh khách vì thích thú. Mỗi lần đi ăn cỗ ở nhà họ hàng, cha luôn luôn không quên đem phần về cho tôi và đứa em ở nhà, phần quà nhỏ thôi – đa phần là nắm xôi, hoặc nắm cháy cơm nếp, nhưng tôi hiểu tình yêu cha dành cho anh em tôi không gì đo đếm được, (từ đó đến nay cơm nếp luôn là món mà tôi chưa bao giờ không thích).

Tôi vốn "nhát" nên hãi lắm khi phát hiện rằng răng của mình đang chắc chắn là thế bỗng nhiên nhiều cái lung lay. Biết chuyện cha cười phá lên "con sẽ phải nhổ những chiếc răng đó đi" – câu nói đó làm tôi vô cùng hoảng sợ. Cha dùng bàn tay thô ráp và chai sạn xoa đầu tôi: "Ai cũng phải chịu đau con ạ, muốn làm "anh hùng" thì phải chịu được những đau đớn lớn hơn việc nhổ răng sâu kia". Dưới sự khích lệ của cha, tôi tưởng như mình đã là một "anh hùng" thực sự, càng về sau chuyện nhổ răng càng đơn giản đối với tôi, tới mức sau này tôi có thể tự mình "xử lí" mà không cần bất kì sự trợ giúp của ai khác.
Nhiều trưa hè oi ả, cha thường hi sinh giấc ngủ trưa của mình nếu không để quạt mát cho anh em tôi say giấc, cha sẽ hì hụi làm những chiếc diều để anh em tôi gửi gắm ước mơ. Tôi chưa bao giờ nhận thấy cha hết niềm vui khi phục vụ những yêu cầu "rắc rối" của tôi. Tôi biết vì anh em tôi cha sẵn sàng nhảy vào dầu sôi lửa bỏng mà không hề mảy may do dự. Cha đã truyền cho anh em tôi sự cẩn trọng, lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là tình yêu lao động. Mặc dù ốm đau bệnh tật nhưng cha chỉ âm thầm chịu đựng, đặt hết niềm tin và sự kì vọng vào sự trưởng thành của anh em tôi.

Tôi nhớ về sự tích chim Hải Âu, tôi được đọc hồi bé xíu. Chuyện kể rằng có hai cha con nhà nọ sống nghèo khổ ở một làng chài ven biển. Người con ngỗ ngược thường không nghe lời cha dặn, bất kì chuyện gì anh cũng làm ngược lại những điều cha anh mong muốn. Người cha buồn rầu và lâm bệnh nặng, trước khi từ giã cõi đời ông nghĩ: "Con mình trước nay luôn làm trái với nguyện vọng của mình, khi nằm xuống mình chỉ mong được an táng trên núi cao. Nếu mình nói ra nguyện vọng đó nó sẽ làm ngược lại đem mình chôn xuống biển thì khổ lắm. Chi bằng mình cứ bảo nó chôn mình dưới biển, nó sẽ làm ngược lại". Nghĩ vậy, người cha gọi con lại nói: "Sau khi cha chết con hãy an táng ta dưới đáy biển", nói xong ông nhắm mắt từ trần. Người con đau khổ nghĩ: "Từ trước tới nay ta luôn làm trái ý cha, để chuộc lại lỗi lầm lần này ta sẽ thực hiện tâm nguyện cuối cùng của cha", anh đã đem người cha đáng thương của mình an táng trong lòng biển. Một thời gian sau có vị thần báo cho anh biết về tâm nguyện thực sự của người cha muốn được chôn cất trên núi. Anh òa khóc, đau khổ và hối hận, ngày ngày ra khơi quăng lưới, lặn ngụp để tìm xác người cha tội nghiệp của mình, nhưng biển khơi thăm thẳm, mọi nỗ lực của anh để chuộc lại lỗi lầm đều vô vọng, anh kiệt sức và chết, hóa thành một loài chim luôn bay vờn sát mặt nước như tìm kiếm điều gì đó. Loài chim đó có tên Hải Âu, người ta bảo tiếng kêu của loài chim đó, là tiếng khóc than của người con khi tìm kiếm xác người cha khốn khổ của mình – "Xác cha đâu, xác cha đâu".

Đó là một câu chuyện buồn thảm, câu chuyện là một lời cảnh tỉnh cho những ai không nghe lời cha mẹ, hiếu thuận với cha mẹ không bao giờ là quá muộn. Có nhiều sai lầm có thể sửa chữa được, nhưng có không ít những sai lầm mà chúng ta không thể cứu vãn, sai lầm như anh chàng trong câu chuyện đau lòng trên là một ví dụ, đừng mắc những sai lầm như thế nhé bạn của tôi.

Mỗi người đều lưu giữ trong tim hình ảnh một người cha. Dù giàu có hay nghèo khổ thì bất kì người cha nào cũng luôn dành cho con những tình cảm lớn lao, vẫn sẵn sàng gánh chịu vô điều kiện với lòng mong mỏi những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với con mình. Bất kì người cha nào cũng mong con mình là chỗ dựa vững chắc khi mình bước vào tuổi xế chiều – trẻ cậy cha già cậy con là vì vậy. Những hình ảnh tiếp theo về người cha xin dành cho bạn, cho những ai được may mắn sinh ra trên cõi đời này.

    Gửi từ  Âu Hải _  haiau.vy@gmail.com


  • Vì tất cả, tôi gọi đó là hạnh phúc

Yêu và biết cách yêu luôn luôn là hai điều khác nhau. Tôi nghĩ vậy.


Kỉ niệm 30 năm ngày cưới của Ba Mẹ, 20/11/1982 - 20/11/2012


Mẹ, một cô gái trẻ xinh đẹp, cá tính nhưng có vẻ lạnh lùng và có nhiều vệ tinh xoay quanh. Ba, anh chàng đẹp trai, có phong cách, được nhiều cô để ý và hay ngồi uống rượu một mình. Đó là ấn tượng ban đầu của 2 người khi mới quen biết nhau. Họ có cái nhìn ban đầu không thiện cảm, cũng có thể dùng từ ghét cay ghét đắng. Ba Mẹ thường kể như vậy…


Mẹ, cô gái được cưng chiều trong 1 gia đình cán bộ về hưu, có thể lựa chọn cho mình một người bạn đời có cuộc sống đầy đủ, tốt hơn Ba về vật chất. Ba, con của "chủ tịch huyện mà nghèo rớt mùng tơi", ưu điểm ngoài sự chân thành và coi trọng tình cảm gia đình thì chẳng có gì hơn. Đó là điều Mẹ đánh giá về Ba, mối tình đầu của Mẹ. Còn Ba, lúc đó đã kịp trải qua một số mối tình…


Đám cưới của 2 người diễn ra, không ảnh cưới, không comple áo cưới như những đôi uyên ương bấy giờ vẫn thuê được, chỉ có cho cô dâu 1 chiếc áo dài trắng tự may tay trong 2 đêm trời, chú rể thì vẫn mặc bộ đồ thường lên lớp. Một đám cưới không có rước dâu bởi nhà Ba quá nghèo, không đủ điều kiện kinh tế cho việc đó, cũng chẳng có tiệc đãi khách như người ta. Phải đến mấy tháng sau khi cưới thì Mẹ mới chính thức gọi là về nhà chồng, cũng là kết hợp về đám giỗ bà Nội [Có 3 mâm cơm mời chú bác thì phải].


Họ đến với nhau, không tính toán và chỉ có tình yêu. Đến giờ Ba Mẹ vẫn thầm tiếc, giá như ngày đó có 1 bức ảnh để giờ con cháu được xem. Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra mà chẳng chấp nhận từ giá như trong đó. Có lẽ ở thời buổi này, người ta gọi đó là dại và chẳng ai làm thế nữa...


Cuộc sống qua lời kể của Ba Mẹ là chuỗi ngày khổ cực nhưng đầy hạnh phúc, là chồng chở vợ lên rừng quét lá về nấu cơm. Là bao vất vả để có được một mái nhà riêng mà tôi gọi là tổ ấm. Là sức khỏe phi thường của Ba khi đạp xe chở Mẹ, lúc đó đang có bầu chị Nhung vượt hơn 100km về quê thăm nội, mẹ ngồi sau hỏi "Anh mệt không" và Ba nói "Anh vẫn  Phình phường"


bên nhau, hạnh phúc và những đứa trẻ lần lượt ra đời, hạnh phúc ở trong những giọt nước mắt của Ba khi nhận tin con chào đời mà mẹ thường kể. Niềm vui nhân lên và khó khăn cũng nhiều hơn gấp bội. Vào thời điểm đó, đồng lương của 2 giáo viên không thể nuôi con đủ no bụng. Giáo viên là nghề cao quý nhưng lại là những người khổ nhất. Ngoài công việc ở trường, ba mẹ còn phải quần quật làm thêm để kiếm cơm cho 2 đứa con. Mẹ thường nói, khi khổ cực và khó khăn nhất mới hiểu được lòng nhau và biết được khả năng, sức chịu đựng của con người. Mẹ từ 1 cô gái được cưng chiều ở nhà ông Ngoại vì đau khớp từ nhỏ đã lăn lộn với nấu rượu nuôi heo, đan len, may áo quần và đủ thứ việc không tên khác ngoài giờ lên lớp.


Ba, từ 1 người chỉ biết cầm bút mộng mơ (ba là giáo viên dạy văn mà ) đã phải lăn lộn với thương trường... tất cả cũng chỉ vì 1 mục đích, để vợ và 2 đứa con sống sung sướng hơn người ta. Và quả thật, đó là những việc làm đáng để tự hào của một người đàn ông mặc dù đôi khi là trái pháp luật. Khi đứng giữa đạo đức xã hội và những đứa con ốm đói, bạn sẽ hiểu và đừng quá bận tâm về điều này. Nếu là tôi, tôi cũng sẵn sàng làm như vậy.



Cuộc sống cứ thế trôi đi, Mẹ vẫn chịu khó và Ba vẫn bươn chải giữa cuộc đời. Nhưng có lẽ "Bôn ba không qua thời vận", cuộc sống vẫn chẳng khá lên mặc dù con người ta đã cố hết sức. Lúc đó ba đã nghỉ dạy, bỏ cái nghề chẳng giúp ba nuôi nổi những đứa con.


Bé Rên ra đời, lúc đó mình đang học lớp 1, đó có thể được gọi là khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình. Sinh con thứ 3 - một thiên thần chào đời và Ba Mẹ nó phải chịu bao khiển trách, Mẹ bị trừ 1 bậc lương vào cái khoản lương còm cõi, mấy năm liền không được nhận bất kì một danh hiệu và ngừng thêm 2 lần nâng lương nữa, mặc dù ai cũng phải thừa nhận năng lực và chuyên môn của Mẹ ở tỉnh nhà ít người có được. Thế nhưng, Ba Mẹ vẫn luôn tự hào rằng mình có 1 cô bé ngoan, xinh xắn, là mục tiêu của biết bao chàng… Mình có hơi tự hào về cô em 1 cách quá đáng không nhỉ?


Ngày bé Rên ra đời, Ba ở Sa Trầm đang mua sắt, Mẹ ở nhà đau bụng phải nhờ các thầy trong trường đưa đi viện sinh em. Tất cả tiền mặt lúc đó là 36 ngàn, tiền bán con heo không dám ăn, dám tiêu để dành sinh nở. Mà kể cũng lạ, Mẹ sinh 3 chị em mà không lúc nào có mặt Ba ở bên cạnh vào thời điểm quan trọng nhất. Đó cũng là sự thiệt thòi và hi sinh lớn của Ba. Ngày mẹ đi sinh em, 2 chị em thìháo hức lắm, ở nhà chạy vô chạy ra không biết mẹ sinh em trai hay em gái, ngồi mãi ở cổng chờ dì Thuận về báo tin, ai cũng có ý muốn của mình, muốn có 1 đồng minh trong những cuộc chiến thường diễn ra giữa những chị em sát tuổi. Sự háo hức của trẻ con và quan tâm của những đứa trẻ thật bình dị và buồn cười. Giữa trưa nắng chang chang, con chị 9 tuổi dắt thằng em 7 tuổi lên Động hái lá Vằng, cái lá mà chúng nghe nói Mẹ sinh em bé thì cần uống, kết quả không được khen mà còn bị nạt tơi bời… Đôi lúc người lớn không đặt mình vào cách nhìn của con trẻ, mình thấy mình thật đáng thương!


Cuộc sống như 1 bản nhạc hay, có lúc trầm lúc bổng, việc buôn bán của ba không còn suôn sẻ, những chuyến hàng mất trắng đã kéo theo bao công sức lâu nay đổ xuống sông, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, Mẹ khuyên ba ở nhà không đi buôn nữa và từ đó xác định gánh nặng gia đình Mẹ phải gánh vác nhiều thêm. Cũng bởi lúc đó việc dạy thêm của 1 cô giáo dạy Toán giỏi đã có thể giúp Mẹ kiếm được ít tiền, Mẹ cũng tận dụng thời gian buổi tối để đan len hay may áo quần cho người ta kiếm thêm thu nhập. Tôi gọi đó là sự hi sinh và chia sẻ, Ba bắt đầu tập làm quen với công việc bếp núc chăm sóc vợ con, nuôi heo và nấu rượu, những việc mà ít người đàn ông có thể làm tốt và chu toàn như Ba. Thời gian đó Mẹ là Ba và Ba là Mẹ, họ cố gắng làm tốt những công việc mà đáng nhẽ người kia phải làm.


Ngày xưa, cuộc sống tuy khổ cực, nhiều bữa cơm ăn với muối Lạc thôi nhưng không vì thế trong nhà thiếu những tiếng cười, vẫn có những buổi tối cuối tuần cả nhà đạp xe chở nhau đi ăn kem que hay là xem phim rạp Ngô Đồng, tất nhiên cũng có thể là phim rạp lúc đó được Dượng Hiển cho coi chùa thì mới có được vinh hạnh đó.


Ngày xưa của tôi là 2 chị em mỗi chiều đạp xe dàng chở nhau đi bỏ rượu cho Ba hay là đem đồ đi vắt sổ để tối về Mẹ may áo, đi bẻ cành khô về làm củi. Là tranh nhau trông em để khỏi phải ngồi canh nồi rượu hay tị nạnh phải bồng em không được chạy nhảy nhiều. Nhưng trong mắt chúng, ắt hẳn việc giúp đỡ Ba Mẹ đó là đáng tự hào lắm lắm. Và có lẽ chúng chẳng bao giờ quên được.


30 năm sống bên nhau, Ba Mẹ hi sinh và chia sẻ cho nhau, là 1 quãng đường dài. Từng đứa con của Ba Mẹ lớn lên rồi vào đại học, cuộc sống xa gia đình có đứa giữ được mình chăm ngoan và cũng có đứa ham vui bị dòng đời xô đẩy. Có lẽ mình đã làm cho Ba Mẹ khóc nhiều lần, tuy nhiên Ba Mẹ giữ cho những giọt nước mắt hay lời nạt nộ không bao giờ xuất hiện, luôn là sự động viên và nhẹ nhàng khuyên bảo. Vẫn là những câu nói " Ba Mẹ luôn tin tưởng và tự hào ở con, ai chả có sai lầm". Và đặc biệt, hình như Ba Mẹ chẳng giấu nhau điều gì. Những lúc túng quẫn nợ nần sau những trò đỏ đen, mình giấu Ba xin Mẹ hay ngược lại thì 2 người đều nói cho nhau, vẫn cho nhưng chẳng có kiểu thương con mà giấu để cho như người khác. Có lẽ cũng vì những điều đó mà mình có thể rút chân không quá sa lầy. Ở đó, gia đình vẫn luôn có sự tin tưởng cho đứa con vấp ngã nhìn vào để bước về.


30 năm, những đứa con đã lớn và không còn bên cạnh. Ba Mẹ lại trở về với đúng nghĩa 2 vợ chồng son, sống và tự chăm sóc lẫn nhau như lúc trước. Ba Mẹ giờ đã là Ông là Bà, và vẫn với niềm vui khi được quan tâm con cháu, vẫn lúi húi chuẩn bị hết cái này đến cái kia gửi cho thằng cháu đầu lòng, tay xách nách mang gửi cho con cho rể mặc dù vẫn biết ở nơi chúng sống chẳng thiếu thứ gì. Đó là niềm vui mà nhiều người không có được. 30 năm đó, tất cả những gì Ba Mẹ dành dụm được đó là những đứa con, là sự mãn nguyện trên khuôn mặt bởi đã không chọn sai đường. 30 năm bên nhau, vẫn tay trắng nhưng miệng luôn cười tự hào về tài sản vô giá mà mình có được.


Cuộc sống đã diễn ra như vậy, họ hi sinh, tin tưởng và chia sẻ cho nhau. Cuộc sống gia đình thì đôi khi vẫn có những lời nặng nhẹ ra vào nhưng tuyệt nhiên mình chưa thấy ba mẹ dằn vặt nhau 1 tiếng về chuyện tiền nong thiếu thốn, chưa thấy so kè về việc tại sao đời tôi phải khổ như những gì mình từng thấy ở 1 số nơi nào đó. Họ tới với nhau và chấp nhận mọi chông gai phía trước, chấp nhận mọi khó khăn mình sẽ trải qua mà không 1 lời than vãn. Trong cuộc sống lứa đôi có điều gì tuyệt hơn.


"Hạnh phúc là ở trên đường đi chứ không phải ở đích đến" để chốt lại cho những gì tôi thường ngưỡng mộ.

  • Gửi từ thính giả Bá Toàn Lêbatoan7685@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét