Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Truyện ngắn số 10 : Người mẹ điên





Ngày 9 tháng 5 năm nay, tức tuần chủ nhật thứ hai tháng 5 là Ngày lễ Người mẹ, "Chương trình Văn nghệ cuối tuần " kỳ này gặp gỡ các bạn đúng vào Ngày người mẹ, từ Bắc Kinh xa xôi, Ngọc Ánh xin chúc các bà mẹ đang có mặt bên máy thu thanh vui vẻ hạnh phúc.

Chúng ta ai nấy đều có mẹ, ai cũng công nhận tình mẹ bao la như Thái bình dương, hoặc sâu lắng như nước trong nguồn chảy ra. Bất kể người phụ nữ nào, một khi trở thành người mẹ thì cõi lòng cũng trở nên tràn đầy tình thương con cái, cho dù người mẹ đó rất có thể là một người phụ nữ bị mắc bệnh điên. Vừa qua, Ngọc Ánh nhận được bức thư điện tử của bạn Đào Hồng Quang ở Thôn Văn Minh xã Kim Anh huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương đề nghị Ngọc Ánh giới thiệu truyện ngắn "Người mẹ điên" của nhà văn trẻ tuổi Trung Quốc Vương Hằng Tích, bạn Hồng Quang viết: Đây là một truyện ngắn khá hay về tình mẫu tử mà em vừa đọc. Cứ mỗi khi nghe truyện này là em lại không cầm được nước mắt. Nếu có thể, mong chị đọc truyện này nhân dịp 9/5 (ngày lễ của mẹ) được không chị?

Nhân dịp Ngày Người mẹ, và để đáp ứng yêu cầu của bạn Đào Hồng Quang, trong chương trình hôm nay Ngọc Ánh xin giới thiệu truyện ngắn "Người mẹ điên " của nhà văn Vương Hằng Tích, đề làm món quà tinh thần tặng cho tất cả những người mẹ và những người con trên trần gian này. trước khi đọc, Ngọc Ánh xin giới đôi nét về tác giả để các bạn làm quen, mong sao sự từng trải của tác giả có thể động viên tinh thần cho các bạn trẻ đang trong quá trình phấn đấu vất vả cho sự thành đạt trong tương lai của mình.

Tác giả Vương Hằng Tích và truyện ngắn "Người mẹ điên"

Tác giả Vương Hằng Tích sinh ngày 28 tháng 8 năm 1969 trong một gia đình nghèo ở nông thôn tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, nay là Chủ nhiệm Văn phòng Tạp chí "Tình yêu, hôn nhân và gia đình " . Anh là một nhà văn lao động di cư đầu tiên của tỉnh Hồ Bắc, một trong mười thanh niên xuất sắc đầu tiên tỉnh Hồ Bắc, biên tập viên xuất sắc tỉnh Hồ Bắc.

Cha anh là một giáo viên thôn quê, năm 1985 lâm bệnh nặng, gia đình anh mắc nợ hơn 3000 đồng nhân dân tệ, trước cảnh nhà neo đơn, anh quyết định dở dang việc học, vào trong thành phố làm thuê kiếm tiềngiúp cha mẹ giảm bới gánh nặng và nuôi hai em ăn học. Năm đó, Vương Hằng Tích 16 tuổi. Anh từng trợ việc tại công trường xây dựng lương tháng chỉ 20 đồng nhân dân tệ không đủ tiền gửi về nhà, rồi anh lại đi giúp việc tại hiệu sách, một tháng 30, sau đi làm công rửa bát cho một nhà hàng, lương tháng 40 đồng, và anh vừa rửa bát vừa học trộm đầu bếp xào nấu thức ăn. Đến năm 1989 anh trở thành đầu bếp thực thụ, lương tháng tăng lên đến vài trăm đồng nhân dân tệ.

Vương Hằng Tích rất ham đọc sách báo, ngoài giờ làm anh thường tìm đọc những bài văn hay, rồi tập viết lách, thậm chí ước mơ sau này có thể trở thành nhà văn. Trong suốt ba năm sau đó, anh kiên trì viết lách, rồi gửi bài cho các toà soạn tạp chí báo chí, nhưng hầu như đều bị gửi trả về, cứ như vậy cho đến một ngày tháng 4 năm 1992 bài viết đầu tay chỉ vỏn vẹn có trăm chữ của anh lần đầu tiên ra mắt bạn đọc, tấm hóa đơn photo lại chỉ tám đồng tiền nhuận bút, anh vẫn cất giữ cho đến ngày nay. Từ đó cây bút trong tay không bao ngờ ngừng. Ngày 16 tháng 12 năm 1995, tờ "Nhật báo Trường giang " đã đăng sự tích của anh, và anh trở thành tấm gương điển hình của hàng triệu lao động di cư tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Cùng năm, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc bà Trì Lệ đã giới thiệu anh đến với Hội Nhà văn thành phố Vũ Hán. Nhưng anh vẫn không rời bỏ nghề đầu bếp, anh vừa xào nấu cho nhà hàng vừa sáng tác văn học. Tháng 7 năm 1997, anh được Tổng công đoàn thành phố Vũ Hán trao tặng huân chương Lao động di cư Tự học thành tài duy nhất của thành phố.

Tháng 1 năm1998 anh chính thức được nhận vào làm biên tập cho tập san "Tình yêu hôn nhân và gia đình", từ đó anh rời khỏi nghề dao thớt xoong chảo, anh đã coi việc biên tập không phải là nghề nghiệp mà là một sự nghiệp để phấn đấu cho nhân sinh của mình.

Tháng 6 năm 1999 anh lại được tuyên dương là một trong mười lao động di cư của thành phố Vũ Hán, và anh đã thực hiện bước ngoặt mang tính quyết định số phận, đó là anh đã được vào hộ tịch thành phố Vũ Hán trở thành một người thành thị thực thụ.

Cuối năm 2004, truyện ngắn "Người mẹ điên" của anh ra đời, và đoạt giải nhất về "Văn học kính lão" toàn quốc , gây nên sự trấn động trong làng văn học Trung Quốc. Truyện ngắn "Người mẹ điên " hầu như được sáng tác như một bài tản văn trữ tình, làm rung động muôn vàn bạn đọc, sự ảnh hưởng của nó đã vượt xa sự tưởng tượng của tác giả, đến nay đã có tới 47 công ty điện ảnh hoặc truyền hình liên hệ với anh muốn mua bản quyền để cải biên để đưa lên màn bạc hoặc màn hình, nhưng anh đã bán trước bản quyền cho hai công ty . Ngoài ra, truyện ngắn "Người mẹ điện " của anh đã được cải biên thành kịch nói và công diễn nhiều buổi trên sân khấu ở khắp nơi trong cả nước. Nhiều năm qua anh đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm hay, các tác phẩm văn học của anh đã lần lượt đoạt hơn 70 giải thưởng văn học các loại, mặc dù trình độ văn hóa của anh chỉ có cái bằng tốt nghiệp trung học cơ sở ban đầu.

Cần phải nói thêm rằng, đến nay đã có tới hơn 15 nghìn trang web chuyển đăng truyện ngắn "Người mẹ điên" của anh, trong đó kể cả các trang báo điện tử Trung văn của Mỹ, Niu-di-lơn, Ôxtrây-li-a vv... ngoài ra còn đăng trên hơn 40 tờ báo phát hành trong nước.

Trải qua hơn hai mươi năm phấn đấu gian khổ, qua cố gắng không mệt mỏi, ngày nay hai vợ chồng anh đã mua căn hộ hơn trăm mét vuông, con trai anh cũng đã lên trung học, giấc mơ thành nhà văn của anh đã trở thành hiện thực.

NGƯỜI MẸ ĐIÊN (Phần một)

Tác giả: Vương Hằng Tích - (Trung Quốc)

Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người. Vì vậy, một số đàn ông trong làng thường quanh quẩn cô, còn đàn bà đi ngang qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.

Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi tông đường" rồi sẽ đuổi đi liền. Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.

Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: "Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con. Thế là người đàn bà điên này đã trở thành mẹ tôi.

Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: "Đưa, đưa tôi..." bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên. Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!". Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.

Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn ăn nói dở hơi. Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?". Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã trong miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: "Đừng... đừng...". Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: "Con dâu điên mày kêu kêu cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao nhận nuôi mày đã hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?".

Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rơi lã chã trên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài. Bà nội quay đầu đi, nuốt những nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: "Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!". Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng

không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra. Bà nội dằn lòng đuổi: "Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!". Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí. Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa đầy ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa lại.

Thế là mẹ tôi đã ra đi, nhưng nhà tôi vẫn không hề thoát nghèo, ngày ba bữa vẫn hết sức khó khăn. Tất nhiên, hết thảy sự tình cũng là do bà nội kể lại cho tôi nghe.

Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi mẹ, tìm bà đòi mẹ, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi: "Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi." Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung cơm rau bà bưng cho tôi. Bà nội vừa khóc vừa nói: "Cháu ơi, mẹ cháu chỉ có biết đẻ cháu, còn việc tã lót ăn uống của cháu đều là do bà lo toan hết . cháu thật là ăn cháo đái bát, nếu biết như thế này thì thà rằng để con mẹ điên mang cháu ra đi cho xong."

Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, hình ảnh mẹ như thế nào nhỉ? mẹ còn sống không? Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang. Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo: "Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của màyvề rồi!" Tôi mừng quá đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách rưới, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống rơm cỏ nào. Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu. Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo: "Thụ... bóng... bóng...". Mẹ đứng lên, liên tục giơlên quả bóng bay trong tay, dúi vào lòng tôi với vẻ nịnh nọt. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này. Nếu biết mẹ là người đàn bà điên này, thì tôi tội gì mà nhớ nhung cơ chứ. Một thằng bạn đứng bên cạnh tôi đắc ý a dua nói to:

"Thụ, bây giờ mày biết con mẹ điên là thế nào chưa?

Là mẹ mày như thế này đấy!" Tôi tức tối đáp lại nó: "Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này! " Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét