Blog Radio - Mẹ sinh tôi ra vào những năm khi còn chiến tranh, đất nước vẫn còn chìm trong bom đạn. Cha đi lính, ở ngoài chiến trường, mẹ một mình sinh rồi nuôi tôi lớn. Năm tôi 3 tuổi, người ta báo tin cha tôi đã hy sinh, mẹ phát bệnh cả tháng không đi lại được, chỉ nằm một chỗ, nước mắt lã chã lăn trên hai bờ mi. Mẹ không có sức làm được gì nên tôi cũng chẳng có gì để ăn. Mặc dù nghèo khổ gạo ăn còn không có nhưng mọi người trong xóm thấy hoàn cảnh mẹ con tôi tội nghiệp nên cũng thương tình, người mang củ sắn, người mang củ khoai sang hỏi thăm chia buồn với mẹ. Cô Tư nhéo má tôi nói “con ngoan, mẹ đang ốm con phải chăm sóc mẹ, đừng quấy mẹ nghe con”. Tôi chạy đến bên giường cầm lấy bàn tay gầy guộc của mẹ khóc oà lên “ Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con, con không muốn mất mẹ!”. Lúc đó mẹ không còn sức lực để nối nữa, chỉ biết ôm tôi vào lòng, tay vỗ về lưng tôi. Mắt mẹ nhắm nghiền lại, nước mắt nuốt vào trong. Tôi không biết sao mẹ khóc, hỏi cô Tư, cô bảo mẹ đang đau, tôi vuốt má mẹ rồi thút thít “Mẹ khỏi nhanh lên, con sẽ đau thay mẹ….”
Một mình mẹ nuôi tôi vất vả, lại ốm đau liên miên. Hai mẹ con sống bằng mảnh vườn nhỏ trước sân nhà. Có đợt trong thùng không còn một hạt gạo, tôi ôm cái bụng đói quằn quại trên phản, chợt mẹ ngồi bên đưa tôi một củ khoai nướng cháy xém cạnh nói tôi ăn đi, ăn vào mới khoẻ mạnh giúp mẹ nhiều việc được. Lúc đó trong đầu tôi không còn suy nghĩ gì cả, chỉ biết ăn lấy ăn để, cũng chẳng hỏi han gì tới mẹ. Ăn gần hết củ thấy bụng bớt sôi rồi tôi mới đưa tay quệt ngang mép hỏi mẹ ăn chưa. Mẹ mỉm cười đưa đôi bàn tay xương xương lên xoà đầu tôi bảo mẹ ăn no rồi. Tôi lại tiếp tục ăn ngon lành, chẳng để ý tới những gì xung quanh. Lúc đó tôi 4 tuổi, tôi vô tư không biết rằng đó là củ khoai sót lại cuối cùng trong xó bếp. Mẹ đã nướng rồi để dành lại cho tôi, còn mẹ thì ôm bụng đói.
Năm tôi học lớp vỡ lòng, quen được rất nhiều bạn mới từ các làng khác. Chúng ngồi kể chuyện về cha mẹ, gia đình, còn tôi thì chỉ ngồi im thin thít.
-Ê, cha mày làm gì? Sao không bao giờ thấy vậy?- Thằng Chiến bỗng hỏi tôi
-Cha tao đi bộ đội- Tôi ấp úng
-Đi bộ đội gì mà giờ chưa về? Đất nước bây giờ hoà bình rồi, ai còn giữ cha mày lại
-Mẹ tao bảo cha tao làm chức cao lắm, là đại tá đấy
-Vậy sao? Cha mày oai thật đấy, mày sướng thật
-Chứ còn sao- Tôi huyênh hoang nói, còn trong lòng thì khó chịu vô cùng. Mẹ dạy tôi không được nói dối, nhưng mẹ cũng chưa bao giờ kể về cha cả. Đến mặt mũi, tính tình cha ra sao tôi cũng chưa từng nhìn thấy, các bạn có cả cha lẫn mẹ, được vỗ về che chở, tại sao tôi lại chỉ có mình mẹ thôi?
Về đến nhà tôi cuống cuồng tìm mẹ, tôi nhất định phải hỏi rõ mọi chuyện. Tôi không muốn mình là một đứa trẻ không cha…
-Mẹ, mẹ ơi
Thấy mẹ đang hì hụi trong bếp tôi gào toáng lên rồi chạy vào giật lấy tay áo mẹ
-Mẹ ơi con muốn hỏi
-Sao? Con muốn hỏi gì?
-Cha con đâu ạ? Tại sao các bạn đều có cha, còn con thì không?
-Mẹ nói với con rồi, cha con đi bộ đội mà
-Nhưng thằng Chiến bảo đất nước hoà bình rồi, không cần bộ đội nữa
-Nước nhà hoà bình nhưng vẫn cần những người gìn giữ, cha con là 1 trong số những người đó, con phải thấy tự hào chứ- Mẹ nhéo 2 má tôi rồi nói tiếp- Mẹ có thể làm mẹ, thì cũng có thể làm một người cha, con không tin mẹ sao?
Tôi vội xua xua 2 bàn tay ngắn cũn cỡn
-Không không, con tin mẹ mà
Thấy 2 mẹ con côi cút bà con trong làng nghĩ thương mẹ, nói đàn bà không có chỗ tựa của đàn ông thì sống sao nổi. Hơn nữa lại còn đứa con nhỏ. Không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ cho con, sao cho nó chịu khổ với mình suốt được. Ban đầu mẹ để ngoài tai, nhưng rồi sau nghèo quá, đến con gà mẹ nuôi cũng chẳng đẻ được ra trứng, nhìn nó và 2 mẹ con tôi, gầy rộc đến nỗi chỉ nhìn thấy xương. Năm tôi 7 tuổi, mẹ xuất giá, lấy một người đàn ông hơn 40 tuổi. Ông ta già, da đã nhăn nheo lại, đã vậy còn rất xấu, xấu đến nỗi tôi không dám nhìn vào khuôn mặt ấy. Vì cứ mỗi lần vô tình nhìn phải tôi lại liên tưởng đến ông Ba bị mà lũ trẻ con trong làng thường kể cho nhau nghe.
Mẹ dắt tay tôi đứng trước mặt người đàn ông đó. Tôi sợ hãi nép mình phía sau mẹ hệt như một chú gà con. Ông ta bước lại gần, tôi lại càng bám chặt lấy mẹ hơn. Khi ông tay đưa tay định động đễn người tôi, tôi sợ quá khóc ầm ĩ lên nói ông ta là Ông ba bị tới bắt con đi, rồi lại quay sang mẹ giật giật vạt áo
-Mẹ ơi con xin lỗi, con sẽ không hư nữa, mẹ đừng bảo ông ba bị tới bắt con mà….
Mẹ cúi xuống lau nước mắt rồi ôm chặt lấy tôi nói rằng đó là cha tôi. Tôi lập tức đẩy mẹ ra rồi lùi lại
-Không, mẹ nói dối, cha con không xấu thế, không già thế, mẹ nói cha con là bộ đội bảo vệ tổ quốc cơ mà. Tại sao mẹ lại phản bội cha? Mẹ thật xấu, con sẽ không nhìn mẹ nữa…
Nói rồi tôi chạy đi, mẹ chỉ biết đứng yên nhìn theo cái bóng bé nhỏ của tôi rồi lặng lẽ khóc. Trời đã sẩm tối, gió rít lên khiến lá cây xào xạc khiến tôi rùng mình. Tôi không biết đi đâu cả, cứ lang thang trên con đê dài miên man, trong đầu chỉ hiện lên những lời oán trách. Tôi ghét mẹ, tại sao mẹ lại đối xử với tôi và cha như thế? Lại còn bắt tôi gọi người khác là cha nữa. Tôi sẽ không bao giờ gọi, ông ấy không phải cha tôi, cha tôi đang bảo vệ tổ quốc, rồi cha sẽ nhất định trở về với tôi.
Phía xa có một thằng nhóc cỡ bằng tuổi tôi đang dắt trâu về. Khi đi qua thấy tôi đang ngồi thu lu một góc nó liền dừng lại nhòm kĩ mặt tôi rồi kêu lên
-Ơ Việt, sao mày lại ở đây thế này?
Tôi ngẩng đầu lên nhìn nó, mắt vẫn còn ướt ướt. Thì ra là thằng Chiến, nó vừa mới đi chăn trâu về
-Tao không muốn về nhà nữa
-À, nghe nói mẹ mày vừa lấy chồng mới, có cha mới lại không thích à- Rồi nó cười lên khoái chí, tiếng cười của nó như trêu ngươi tôi lúc này, tôi túm lấy cổ áo nó gầm lên
-Đó không phải cha tao, cha tao là…
-Thằng nói dối, tao hỏi mẹ tao, mẹ tao bảo cha mày chết rồi, đồ nói dối
Bao nỗi căm phận, hận thù trong lòng bấy lâu tôi dồn hết vào bàn tay rồi tung thẳng một cú đấm vào bụng thằng Chiến, nó ngã ngửa ra đất. Tôi vẫn không tha, cứ đè nó ra mà đấm túi bụi. Lúc đó tôi nghĩ thằng Chiến là lão già đã cướp mẹ của tôi đi. Tôi muốn đánh chết nó.
Thằng Chiến kêu gào vang xóm, bố mẹ nó và người làng chạy tới đẩy tôi ra. Bố nó tát mạnh vào mặt tôi một cái rồi chửi xa xả, rằng tôi là đồ không cha, là đồ mất dạy, mới tí tuổi đầu đã học thói du côn. Nói rồi ông xách cổ tôi về nhà lão già kia đòi tiền thuốc cho thằng Chiến. Mẹ ngồi thu lu một góc ở trước cửa nhà đợi tôi. Thấy mọi người kéo đến, mẹ chạy ra ngay, thấy tôi bầm dập. mẹ lập tức chạy tới sờ khắp người tôi hỏi đâu không. Tôi lì lợm, vẫn chưa hết giận mẹ nên chỉ ngoảnh mặt đi không nói gì.
Người nhà thằng Chiến bắt đền mẹ tôi, mẹ tôi đau khổ chỉ biết khóc. Gia cảnh túng quẫn thế này. Một đồng còn chẳng có thì đền bù sao đây? Trước lúc không biết nên làm thế nào nà dân làng làm căng quá, nếu không đền thì sẽ đập tan mọi thứ trong nhà thì ông già kia bước ra, trên tay cầm một con gà nói:
- Cháu nó còn bé chỉ đùa nghịch nhau chưa ý thức được gì mong mọi người bỏ qua cho cháu. Chứ nhà cháu các bác xem, đâu có khá giả gì, chỉ còn mỗi con gà này mang các bác nhận cho mà tha cho cháu.
Mẹ tôi cũng vội vã buông tôi ra mà chạy tới dập đầu lia lịa
- Cháu xin các bác, cháu chỉ có mỗi thằng con ngu dốt này, các bác vì nó nhỏ dại mà tha cho.
Thấy thương tình quá nên bọn họ bỏ đi, cũng không lấy gà nữa. Tôi run sợ nhìn mẹ đang rũ rượi trước mặt, tim gan như lộn hết cả lên. Lúc ấy mọi sự giận dữ của tôi đã bị xua tan hết, chỉ biết thương mẹ mà thôi. Lấy hết can đảm, tôi quỳ xuống trước mặt mẹ nói lời xin lỗi. Mẹ tức giận đứng dậy lấy chổi đập vào lưng tôi mắng:
- Sao mày ngu thế hả con? Mẹ có dạy mày đi đánh người à?Tôi đau đến nỗi chỉ biết đưa tay lên đầu che rồi khóc
- Mẹ ơi con xin lỗi, con sẽ không bao giờ như thế nữa. Đừng đánh con mẹ ơi.
Người đàn ông kia tới giữ chặt mẹ tôi, lại lắc đầu
- Đừng đánh con, nó còn nhỏ.Mẹ buông chổi rồi khuỵ xuống nhìn tôi, nước mắt đầm đìa.
-Mẹ xin lỗi
Đây là lần đầu tiên mẹ đánh tôi, hơn nữa lại còn rất đau. Tôi biết mẹ yêu tôi rất nhiều nên mới làm thế. Tôi biết có đau thế nào cũng không đau bằng nỗi đau trong trái tim mẹ. Lúc đó thì tôi tự nhủ rằng sẽ không bao giờ làm mẹ buồn, không bao giờ khiến mẹ khóc nữa. Bàn tay mẹ vất vả nuôi tôi, mẹ gầy gộc lắm rồi, cũng vì tôi mà như thế …
Đêm hôm đó mẹ ôm tôi ngủ, thấy tôi nhắm mắt rồi mẹ mới bắt đầu nói
- Mẹ xin lỗi, con yêu à, mẹ đã không nuôi nấng dạy dỗ con cẩn thận. Mẹ xin lỗi vì bắt con gọi người khác là cha nhưng con à, mẹ không còn cách nào khác. Mẹ con mình nghèo quá, khổ quá rồi. Một mình mẹ thì có thể sống qua ngày được, nhưng còn con, mẹ không muốn con phải chịu khổ cùng với mẹ. Con còn có tương lai, con không thể sống trong vũng bùn của sự nghèo đói. Mẹ không muốn con thất học như mẹ, rồi lại bị người khác coi khinh. Cuộc sống của con, không thể để giống như mẹ được.
Tôi vờ vươn tay, xoay lưng lại rồi kéo lấy cổ áo lên lau nước mắt. Thực ra lúc đó tôi chưa ngủ, tôi đã nghe được hết những gì mẹ nói. Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ bất hiếu, mẹ đã vì tôi mà đau khổ suốt cả một đời người, tại sao tôi lại ngu ngốc đã không chịu hiểu được lại còn bất hiểu với mẹ như thế. Tôi đúng là một đứa con xấu xa, một thằng hư đốn…
Tôi đã rất cố gắng không làm mẹ phải phiền lòng khi gọi người đàn ông kia là dượng. Tôi không thể gọi là cha vì mỗi người chỉ có một người cha thôi, không thể có hai được. Nhưng điều đó cũng đủ làm ông ấy rất vui rồi. Dượng rất hay để phần tôi những đồ ăn ngon, nói con trai phải ăn nhiều mới khoẻ mạnh, thông minh và học hành giỏi giang được. Tôi và từng miếng cơm vào trong miệng nhủ thầm ông ta đối tốt với tôi chỉ mong tôi đi học rồi kiếm nhiều tiền để phụng dưỡng ông ta chứ gì? Thật là biết nghĩ xa xôi, đúng là một lão già nham hiểm. Khi đó tôi 13 tuổi.
Sắp tới dịp Tết, nhìn bọn ở lớp xúng xính khoe áo quần mới, nhìn xuống cái áo khoác nhồi bông mẹ tự may đã sờn rách của mình mà tôi lại tủi thân.
Thấy ánh mắt thằng Biên đang nhìn vào chỗ chỉ đã bị bật ra trên áo của mình, tôi ngượng ngùng lấy tay che lại rồi đuổi nó ra chỗ khác chơi. Nhìn chiếc áo mới của nó, tôi đã thèm muốn biết bao nhiêu. Mười mấy năm sống trên đời áo mẹ mua cho tôi chắc chỉ đếm được trên đốt ngón tay, vì hầu hết đồ tôi mặc mẹ đều tự may.
11h đêm, đèn ngủ buồng mẹ vẫn sáng, tôi định vào xem sao nhưng bước tới cánh cửa thì thấy mẹ đang hì hụi khâu lại chiếc áo khoác bông cho tôi rồi thở dài với dượng
-Tội cho thằng Việt quá. Học hành chăm chỉ lại ngoan ngoãn vậy mà bốn, năm năm nay vẫn chỉ có một cái áo khoác để mặc đến nỗi bục hết cả chỉ, bông nhồi trong áo cũng bật cả ra ngoài. Sắp tết rồi mà chẳng thể mua cho con được cái áo tử tế. Tôi định sang năm nếu có tiền sẽ mua cho nó một bộ hẳn hoi, khích lệ con nó cố gắng học mà đậu đại học. Có học mới thoát nghèo ông ạ.
Tôi vội quay người lại đi về giường, lặng người đi về những câu nói của mẹ. Quả thật là chẳng ai yêu tôi hơn mẹ. Mẹ luôn đoán được những suy nghĩ trong đầu tôi. Cái áo, cái quần nào của tôi đều một tay mẹ khâu, từng mũi đều chỉ chứa chan bao tình yêu của mẹ dành cho đứa con thiếu suy nghĩ này. Thế mà tôi luôn cảm thấy xấu hổ, cảm thấy thua kém bạn bè khi xuất thân từ một gia đình bần hàn! Trong khi đó mẹ luôn tự hào về tôi.
Đi khắp thế gian này, liệu có tìm được ai tốt hơn mẹ tôi không?
Thời gian ấy tôi có nuôi một con chó và rất yêu quý nó, tên là Lu. Cứ có tâm sự gì tôi lại kể nó. Đó là một chú chó rất thông minh, nó biết vẫy đuôi ra cổng đón tôi về nhà, biết liếm tay, dụi đầu vào người tôi khi tôi tức giận. Có lần không hiểu thế nào mà nó gặm một con các chép vẫn đang quẫy mình về, người thì ướt sũng. Tôi vui mừng, chạy tới thả con cá vào chậu rồi xoa đầu nó. Nó đúng là một người bạn tri kỉ duy nhất với tôi trong suốt một thời gian dài.
Hôm đó tôi đi học về, không thấy con Lu ra đón. Tôi lo lắng chạy vào trong tìm khắp nhà. Không thấy tôi càng lo sợ hơn, liền chạy quanh làng nhưng vẫn không thấy. Nó không bao giờ đi chơi trong lúc này, nó luôn đợi tôi về nhà rồi mới đi cơ mà? Tại sao hôm nay lại không thấy? Có khi nào nó bị bọn bắt chó bắt trộm rồi không? Nghĩ đến đó là tôi thấy lạnh toát sống lưng, không dám tưởng tượng nữa.
Buổi tối, mẹ có mang một miếng thịt chó về rồi gọi tôi dậy ăn cơm. Nhìn miếng thịt chó tôi lại nghĩ ngay tới con Lu. Tôi trợn mắt hỏi mẹ có phải mẹ đã giết con Lu rồi không? Mẹ chỉ im lặng không nói gì. Đoán được chuyện tôi ném bát đũa xuống rồi bật dậy đi vào nằm. Nước mắt tôi ướt đẫm gối. Mẹ tôi độc ác từ khi nào vậy? Con chó đó tôi nuôi 2 năm nay, sao mẹ nhỡ nhẫn tâm mà giết nó? Lại còn ăn thịt nó nữa. Tôi thút thít khóc vì thương con Lu, vì giận cả mẹ nữa.
Một lúc sau, dượng mang cơm vào, trong bát cơm có vài miếng thịt, vài cọng rau xào. Nhìn thấy thịt tôi lại nhớ tới con Lu rồi khóc oà lên. Trong lúc đó tôi chỉ biết gọi “Lu ơi!”.
- Con không ăn thịt cũng phải ăn cơm…
Không đợi dượng nói hết câu, mắt tôi đỏ ngầu gào lên giận dữ.
-Là ông, chính ông đã giết nó, mẹ không thể giết được con Lu. Là ông, ông giết thịt rồi bán nó đi phải không? Tại sao ông có thể dã man như vậy được? Đến con chó ở với mình từng ấy năm cũng có thể cầm dao ra giết. Ông đúng là không có tính người.
Nói xong tôi bị mẹ cho một cái tát thẳng vào mặt. Ánh mắt mẹ phát ra những tia giận dữ rất đáng sợ. Mẹ nhìn tôi trừng trừng rồi quát:
- Mày biết mày ăn học hết bao nhiêu không? Không bán con chó lấy đâu ra tiền cho mày học hết cấp 3 rồi lên đại học? Một con chó cũng không bằng cha mày sao? Tại sao mày có thể nói ra những lời vô nhân tính như thế? Mày đi học mà không có não hay sao hả thằng kia?
-Vậy con sẽ không đi học nữa.
- Không đi học thì định suốt đời làm trâu chó à? Tại sao lại ngu dốt thế? Tại sao đầu óc mày lại tối tăm thế hả?Mẹ gào lên trong nước mắt, còn tôi không dám khóc, chỉ cắn chặt môi đến bật máu. Lúc đó tôi vẫn nghĩ rằng mình không sai.
Năm tôi 18 tuổi, với số điểm 28, tôi đỗ được vào Đại học Y Hà Nôi. Tôi không nhớ lúc đó mình đã hạnh phúc đến mức độ nào. Nhận được giấy báo trúng tuyển tôi hết chạy loanh quanh nhà rồi lại đi quanh làng hét lên sung sướng “ Tôi đỗ đại hộc rồi”. 18 tuổi, tôi vẫn vô tư sống mà không nghĩ đến nỗi lo và gánh nặng từ gia đình. Đỗ đại học, nhưng không phải là thủ khoa, tôi vẫn phải chịu học phí như bình thường như những người khác. Tiền học phí là một nỗi lo cho cả nhà tôi khi đó. Thử hỏi cả nhà 3 người sống bằng mảnh vườn nhỏ bé cùng một sào ruộng thì kham sao cho nổi khoản tiền học lớn như thế. Trong 2 đôi mắt lấp lánh niềm vui là cả một nỗi lo về gắng nặng đồng tiền.
Vì hoàn cảnh khó khăn, nhà lại xa trường nên tôi làm đơn ở kí túc xá và được nhà trường chấp nhận. Gia đình thở phào vì đỡ một phần của gánh nặng lo toan.
Trước ngày tôi nhập học, ở nhà mẹ và dượng chuẩn bị cho tôi rất nhiều thứ. Nào là quần áo, chai nước mang đi uống dọc đường, cái bánh chưng mẹ mua ban chiều ở ngoài chợ … nhìn cả hai với hình dạng khắc khổ cả đời mà tôi chỉ muốn khóc. Tôi đi rồi ai sẽ chăm sóc cả 2 đây? Mẹ đã ngoài 40 mà già hơn tuổi, dượng thì cũng gần 60, tóc đã bạc trắng rồi, sức khoẻ cũng yếu dần … Trước kia mẹ và dượng gồng lưng lên làm nuôi tôi học mà cũng chỉ đủ ăn. Giờ tôi sống xa nhà… Nghĩ tới đây tôi nói một câu mà khiến cả nhà lặng người đi.
- Hay con đi làm kiếm tiền, không đi học nữa.Nói xong tôi thấy ân hận với lời nói đó, chỉ biết cúi mặt xuống nhìn sàn nhà, đôi lúc lén lút nhìn mẹ và dượng.
- Con không phải lo về khoản tiền nong đâu. Hơn chục năm nay dượng và mẹ cũng dành dụm được chút ít, đủ đề gửi tiền hàng tháng lên cho con.
Tôi biết đó chỉ là lời nói cố trấn an tôi mà thôi. Vất vả cả đời cũng đâu có dành dụm được bao nhiêu…
Đêm đó tôi cứ dán mắt lên trần nhà, trằn trọc không ngủ được. 4h sáng hôm sau, dượng đánh thức tôi dậy, đưa cho tôi một cái bánh mì nói tôi ăn còn ra bến xe nữa. Mọi thứ đã chuẩn bị xong hết rồi. Gặm miếng bánh mì mà nước mắt tôi rơi lã chã, lăn xuống cả môi, chiếc bánh mì khô rom bỗng dưng bị dưới thêm nước mắt.
Đưa tôi ra bến xe, dượng có dặn tôi rất nhiều điều, nói trên thành phố có nhiều cạm bẫy, phải biết giữ mình, không được sa ngã. Phải ráng chăm chỉ học hành thật tốt, sau này có thể làm bác sĩ chữa bệnh cho nhiều người… Sau đó ông giở một chiếc khăn mùi xoa có bọc một tập tiền lẻ bên trong đặt lên tay tôi.
-Ở đây có 400 ngàn, dượng để dành mấy năm nay cốt để cho con đi học. Trên đường đi có thèm gì con cứ ăn, đừng tiết kiệm quá dượng biết con cũng không sung sướng gì, chỉ biết dành dụm vì con thôi…
Nhìn bọc tiền dầy cộp toàn tiền một, hai nghàn, hiếm hoi mới thấy có tờ mười, hai mươi. Tôi vừa thương dượng lại vừa tủi thân. Người ta đi học xa được cha mẹ lo cho đầy đủ, tiền nong chu cấp thường xuyên. Số tiền của tôi so với bọn họ có thể coi là rất nhỏ, nhưng với tôi và dượng, đó là cả một khoản tiền lớn, đó là tiền dượng dành dụm bao lâu cốt để đưa cho tôi vào ngày hôm nay, vậy mà trong suốt hơn 10 năm qua tôi đã làm được gì nào? Ngay cả một lời nói tử tế, hành động yêu thương cũng không hề có, tại sao tôi lại được dượng đối xử tốt như thế? Tôi đâu có xứng đáng để nhận được điều đó.
Bất chợt tôi ôm lấy dượng, khóc tức tưởi rồi nghẹn ngào nói “Con xin lỗi, con đã không tốt với dượng, con xin lỗi …” .Mẹ đứng ngoài cũng lặng lẽ lấy khăn chấm 2 khoé mắt. Nước mắt dượng không chảy, nhưng tôi biết, là do dượng cố nén vào trong đó thôi.
Phụ xe bắt đầu thúc giục mọi người lên xe, bước chân tôi quyến luyến không muốn rời xa gia đình.
Bánh xe bắt đầu lăn, qua cánh cửa kính tôi thấy dượng đang ôm chặt lấy vai mẹ, chạm tay vào cánh cửa kính, nhìn dượng đang dõi theo mình. Hai mắt dượng tuy đỏ nhưng vẫn tươi cười vẫy tay tạm biệt tôi như muốn nói “Dượng và mẹ luôn dõi theo từng bước chân con đi! Cố gắng lên con trai! Ta biết con sẽ làm được mà!”
Không kìm được nước mắt, tôi khẽ gọi “Cha ơi!!”
Không có người cha nào hoàn hảo, chỉ có những người cha yêu thương con bằng tình thương hoàn hảo!
- Chuyển thể từ truyện ngắn của thính giả Silenttear - love_romantic_rainbow@
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét