- Lá thư trong tuần: Mùa trăng tháng bảy
Tháng nào cũng có một mùa trăng nhưng trong tôi trăng tháng bảy vẫn đẹp hơn hết. Trăng cứ tròn thả từng sợi vàng ôm trọn không gian như vòng tay của mẹ ôm con vào lòng.
Tháng bảy mình ở thành phố mưa sũng nước, những đợt mưa sáng chiều làm thâm tím cả khung trời vốn dĩ trong xanh. Có những ngày hửng nắng và đêm ấy ta thấy trăng treo trên vòm trời đầy mây… Trăng như mẹ hiền luôn muốn gặp con dù trong hoàn cảnh nào. Trăng dịu nhẹ như tiếng mẹ ru. Trăng rằm tháng bảy…
Trăng tháng bảy nghe trong mạch máu mình có dòng máu tổ tiên, nhớ thương về người bởi có người rồi mới có ta... Ơn đức ấy bao giờ ta mới trả được, vậy thì cố gắng một ngày sống đẹp là mang tinh thần tổ tiên về với cuộc sống này.
Trăng tháng bảy mình ta ngồi nghe máu thịt cha mẹ trong thân thể. Cha mẹ cho con hình hài trọn vẹn không chút khiếm khuyết. Cha mẹ cho con một tinh thần sống tuyệt vời. Một đời yêu thương trọn vẹn: tất cả mọi người không bỏ sót một ai. Một chút lòng nhân chia sẻ ta biết gởi đến mọi người xung quanh.
Trăng tháng bảy ở thành phố không trong như quê mình năm xưa nhưng tình cha mẹ cho con vẫn tuyệt vời. Dù mưa gió, bão bùng mẹ cha vẫn yêu thương trọn vẹn. Những ngày thiếu thốn phải giật gấu vá vai ba mẹ vẫn lo cho con miếng cơm trắng để con từng ngày đến lớp với bước chân sáo. Chưa khi nào ba mẹ dành miếng bánh ngon cho mình, chưa khi nào mẹ may chiếc áo mới cho riêng mình, chỉ biết những ngày vất vả cha mẹ dành cho con tất cả. Những vết nám của mẹ, những vết da nhăn gầy không thể gầy hơn đã cho ta những ngày tươi sáng. Ta bước vào đời bằng vòng nguyệt quế trên đầu, ta cười thật tươi, nụ cười chứa cả giọt mồ hôi cha mẹ. Có khi nào mình biết ngày mình thành công trên đời này có tấm áo sờn vai dưới nắng cháy không dám đến dự cùng con. Nơi góc chợ ấy người một mình tưởng tượng, tự mỉm cười thoả mãn. Mẹ xấu quá không dám đến nơi cao sang ấy...
Trăng tháng bảy ngàn thu nay vẫn thế: Trăng mang màu yêu thương để người người tri ân cha mẹ tổ tiên. Hình bóng cha già yêu thương con hơn thân thể mình, suốt đời cha dành cho con tất cả. Cha là trụ cốt chính trong nhà nhưng lúc nào cha cũng đặt yêu thương lên hết thảy. Cha không đòn roi nhưng con cha vẫn ngoan vẫn thành công trong cuộc sống bởi cha dạy con bằng cả trái tim nhân hậu của cha.
Còn mẹ, hình bóng mẹ vẫn âm thầm cùng ngày nắng đêm lạnh cho con những gì tốt nhất, ngon nhất. Cha mẹ ơi! con không bao giờ trả được ơn này…Nhưng mùa trăng tháng bảy con nhớ nhiều hơn, thương nhiều hơn dù ở xa con vẫn về dâng ba mẹ miếng bánh thơm, ngồi dưới chân ba mẹ dể được ôm đôi chân gầy guộc. Trăng tháng bảy nhẹ nhàng trải xuống mái tóc mẹ yêu chút sợi vàng ngày thu. Con theo sau ngồi ngắm chiếc lưng còng, con ôm vào lòng cánh tay mẹ yếu đuối, con và ba mẹ cùng cười, ấm áp nói không nên lời…
Trăng tháng bảy cho ai đó ngậm ngùi nhớ về cha mẹ đã đi xa. Như khi ba nhìn vào khoảng không xa vắng nhớ về một thời ấu thơ còn ông bà. Dưới mái nhà tranh, ngọn đèn dầu nhỏ ba ngồi học và nội vẫn mải đan rổ rá kiếm thêm tiền cho buổi chợ ngày hôm sau. Những chiều sau buổi cày nội cùng vợ con ăn bữa cơm chiều đạm bạc nhưng chan chứa tình yêu thương và sự bình an ngày ấy. Vì không muốn ba vất vả nghề nông, nội ra sức cho ba học và thành người. Ba cứ lặng và nhớ không nguôi những kỷ niệm về nội...
Trăng tháng bảy mẹ nhớ về ngoại, người đàn bà góa chồng khi chỉ mới 24 tuổi. Một sự hy sinh vô cùng lớn lao khi ngoại ở vậy nuôi mẹ và một đời cùng con nuôi đàn cháu nhỏ. Đàn cháu bảy đứa cứ ăn học dưới sự chăm bẵm, yêu thương của ngoại. Mẹ muốn ngoại đi bước nữa nhưng ngoại ngóai nhìn những đứa cháu nhỏ rồi thương. Mấy mươi năm sống trong sự trìu mến của ngoại để những đứa cháu thành công trong cuộc đời. Rồi ngoại ra đi trong vòng tay con và cháu…Những hy sinh của ngoại sao cao cả quá không gì sánh nổi. Ngoại ơi!
Trăng tháng bảy, con cháu nhớ về ông bà và tổ tiên một cách kính cẩn. Thương nhớ nhiều lắm những khi đứng dưới trăng vàng nhất là trăng tháng bảy, những sợi trăng mỏng mảnh giăng trong đêm như tình cha mẹ yêu thương con vô cùng cao quý, nồng nàn và thiết tha nhất trên đời này. Từng ánh trăng vàng một như vòng yêu thương cha mẹ quấn quít ôm mình vào lòng, như tiếng ru ngọt nào của mẹ giữa đêm khuya. Đời là những gì hữu hạn mà tình cha mẹ là vô hạn con nào diễn tả nổi. Bàn tay con đặt giữa đôi tay chai sần của ba mẹ và con nói ngàn lời thương yêu cũng không bằng.
Trăng tháng bảy mình quê mình đẹp lắm! Trời vào thu những bông hồng đỏ thắm nguyên vẹn trên áo mình, những ngày này khuôn mặt con sáng rạng ngời. Còn gì vui hơn bông hồng thắm cài trên ngực. Trong vòng tay cha mẹ một đời con ấp áp. Trong lòng mẹ một đời con hạnh phúc. Con cười thật nhiều bên cha mẹ.
Trăng tháng bảy mình vẫn nép mình bên bụi trúc bên nhà. Ngọn gió xào xạc và con ngồi trong lòng mẹ ngắm trăng. Vì tháng bảy trời mưa nên mẹ con ngồi trước thềm nhà ngắm trăng. Rồi mẹ ôm chặt lấy con, con quấn lấy áo mẹ ngửi múi hương da thịt mẹ. Mẹ của con!
Tháng nào cũng có trăng nhưng trăng tháng bảy vẫn lung linh rạng ngời.Trăng tháng bảy mình rất ấm trong thế gian này dù trời có mưa, dù vòm trời đầy mây. Trăng tháng bảy mình ấm áp hạnh phúc vô kể.
- Bài viết của Diệu Hòa
- Gia đình - nơi nương náu bình yên nhất
Lần đầu tiên, sau ba năm đi học đại học xa nhà, tôi thật sự thấy canh rau đay rất ngon!
Trước kia, tôi vẫn thường chê cái món ăn đạm bạc ấy. Tôi cằn nhằn với mẹ vì cứ phải ăn cái món ăn đó thường xuyên mỗi dịp hè đến. Tôi bị ốm hơn một tháng trời, ăn cái gì cũng không ngon miệng. Đi ăn cơm bụi thịt cá tràn trề nhưng tôi nuốt không trôi, lần nào ăn cũng bỏ thừa. Lần này vừa về đến nhà, thấy nồi canh nóng hổi nghi ngút khói, bụng lại đang đói meo nên tôi múc luôn một bát húp sùm sụp. Kì lạ thay, chỉ là canh rau đay mà sao tôi thấy ngon đến thế. Vẫn là cái món canh rau ngày trước tôi thường chê bai đấy thôi. Thế mà lần này tôi lại uống ngon lành, hết bát này đến bát khác làm mẹ tôi mắng: “Cái con bé này. Sao lại đi húp canh như thế? Lửng dạ thì làm sao ăn cơm được nữa”. Tôi chỉ biết nhìn mẹ cười hì hì: “Tại canh ngon quá mẹ ạ”.
Bố mẹ tôi ở nhà thường xuyên ăn cơm rau đạm bạc để dành tiền cho tôi ăn học ở thành phố đắt đỏ. Ở nhà có con cá to, con gà béo cũng để phần tôi về rồi mới mổ. Tôi nhớ có lần bố kéo lưới được con cá trắm to đến gần 6kg, nhưng bố lại thả ra, đợi tôi về rồi bắt. Thế nhưng khi tôi về thì chẳng may con cá đã chết từ bao giờ, thế là bố mẹ cũng chẳng được ăn. Tôi xót xa lòng: “Ở Hà Nội con có thiếu cái gì đâu, thịt cá ngày nào con cũng ăn phát ngán, bố mẹ cứ phải để phần con làm gì”. Nhưng mẹ tôi bảo: “Hà Nội khác, nhà mình khác. Ở đó con đi ăn cơm bụi, thịt gà công nghiệp làm sao ngon bằng gà chạy bộ nhà mình”. Bố tôi tủm tỉm cười: “Thế gà nó không chạy bộ thì nó đi xe à?”. Thế là cả nhà được một trận cười. Những phút vui vẻ, ấm áp ấy, tôi không tìm thấy ở một nơi nào khác ngoài gia đình. Bố mẹ ở nhà rất lo lắng cho tôi, lần đầu tiên tôi xa nhà sống một mình, mẹ cứ lo tôi không biết cân đối thu chi, đến cuối tháng hết tiền mà bố mẹ không gửi kịp thì lại bị đói. Lần nào tôi về cũng xót con: “Chẳng biết nó ăn uống có đầy đủ không mà trông nó gầy thế”. Ngày xưa ở nhà, ốm đau có bố mẹ chăm sóc. Giờ đây đi học xa, vẫn có bạn bè bên cạnh nhưng mình vẫn phải tự lo nhiều hơn. Nhưng tôi tự chăm sóc mình cũng không tốt bằng mẹ chăm sóc cho tôi. Phải chăng khi ốm đau là lúc người ta cảm thấy yếu đuối nhất, và nhớ nhà nhất.
Gia đình - Nơi nương nấu bình yên nhất |
Tôi vẫn thường tự hỏi, không biết năm nay bị sao gì chiếu mà ốm nhiều thế, lại còn ốm dai, ốm nặng. Không có người thân bên cạnh, tôi không khỏi tủi thân. Bố nhắn tin hỏi: “Con ốm đã khỏi chưa. Về nhà bố mổ lợn sạch cho mà ăn”. Tôi ngậm ngùi trong câu hát: “Con đã lâu sao chưa thấy về? Nơi miền quê mình dáng mẹ đêm ngày chờ mong”. Tôi muốn về nhà. Nhớ năm xưa, khi chia tay mối tình đầu, tôi âm thầm đau khổ. Khi đó Gia đình – Phải chăng là nơi nương náu bình yên nhất, cho những tâm hồn yếu đuối, cho những cõi lòng đang tan nát . Những ngày ở bên bố mẹ và em trai, tôi đã nhận ra rằng chỉ có bố mẹ và anh chị em của mình mới luôn yêu thương mình một cách vô điều kiện. Tôi tự trách mình đã không nghe lời bố mẹ, yêu một người chẳng nên yêu. Chỉ có bố mẹ mới biết điều gì tốt cho con, điều mà khi trải qua rồi tôi mới nhận ra.
Những ngày ốm ở nhà, tôi được ăn cơm nhà mẹ nấu, được sống những ngày thanh thản bình yên. Tôi bị viêm họng cấp lâu ngày, uống hết mấy trăm nghìn tiền thuốc cũng không khỏi. Về nhà ngày nào mẹ cũng đi chòi hoa đu đủ rồi hấp với mật ong và quất non cho tôi ăn. Bài thuốc dân gian này vốn rất hiệu quả với tôi. Lọ mật ong tôi mua cho mẹ, lần này tôi lại dùng hết. Chỉ có mấy ngày về nhà mà cái cổ họng sưng viù của tôi đã đỡ hẳn nhờ bát mật ong hấp quất và hoa đu đủ của mẹ. Tôi bần thần nhớ đến đôi ba câu thơ của Nguyễn Duy:
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta... chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
Lòng ta... chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
Một lần nghe hát chầu văn với bà nội, bà bảo ngày xưa dân mình nghèo, nhà dột nát nên những đêm mưa có khi dột cả vào giường. Thương con nên mẹ nhường con nằm chỗ khô, còn mẹ nằm chỗ ướt. Đêm nằm ngủ con có đái dầm ra giường ướt chiếu thì chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo xê con. Miếng nào ngon mẹ cũng phần cho con hết. Mẹ lo cho con không có đủ cơm ăn, áo mặc, còn riêng mẹ thì:
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí, tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Tôi mới nhận ra rằng, năm nào mẹ cũng cho hai chị em tiền để mua quần áo mới mùa đông và mùa hè. Nhưng mẹ thường mặc những bộ đồ cũ và ít khi mua sắm cho mình. Mẹ ôm hết sóng gió của đời, để dành cho con những gì bình yên nhất, hạnh phúc nhất. Bởi vì, đơn giản mẹ là mẹ, và mẹ luôn yêu con. Tại sao Nguyễn Duy lại có thể viết nên những câu thơ thấm đượm lòng người đến vậy. Tôi vốn rất thích bài thơ này, bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, bởi vì tôi nhìn thấy hình bóng của bà, của mẹ tôi trong đó:
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí, tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Tôi mới nhận ra rằng, năm nào mẹ cũng cho hai chị em tiền để mua quần áo mới mùa đông và mùa hè. Nhưng mẹ thường mặc những bộ đồ cũ và ít khi mua sắm cho mình. Mẹ ôm hết sóng gió của đời, để dành cho con những gì bình yên nhất, hạnh phúc nhất. Bởi vì, đơn giản mẹ là mẹ, và mẹ luôn yêu con. Tại sao Nguyễn Duy lại có thể viết nên những câu thơ thấm đượm lòng người đến vậy. Tôi vốn rất thích bài thơ này, bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, bởi vì tôi nhìn thấy hình bóng của bà, của mẹ tôi trong đó:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?
Để rồi, tôi thấm thía rằng:
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Lời mẹ dạy tôi đơn giản lắm, bình dị lắm, nhưng những tầng ý nghĩa sâu xa thâm trầm trong đó, có khi đi hết cuộc đời, tôi cũng chưa hiểu thấu một cách trọn vẹn. Nhưng tôi biết rằng, mỗi bước chân tôi đi, tôi lại hiểu ra rất nhiều điều. Người ta nói, hiểu cuộc sống mới hiểu cha mẹ, cha mẹ luôn biết điều gì tốt nhất dành cho con và luôn bảo vệ con. Dù mẹ chẳng phải siêu nhân đâu, nhưng khi lâm vào cảnh khó khăn, khốn cùng hay nguy hiểm, có đứa con nào không gọi: “Mẹ ơi”. Vì mẹ là mẹ, và vì con mẹ sẵn sàng làm tất cả, thậm chí hi sinh cả bản thân mình.
Tôi biết vì tôi, bố mẹ phải vất vả, dành dụm, chắt chiu từng đồng, có bệnh cũng không dám chữa để dành tiền cho tôi ăn học. Tôi tự cảm thấy hạnh phúc khi được sinh ra trong gia đình như thế, có những người bà, người bố, người mẹ như thế. Tôi đã sống trong tình yêu thương và được bố mẹ dạy dỗ như thế đó. Tôi không bao giờ tự ti vì nhà mình nghèo. Trái lại, tôi luôn cảm thấy vô cùng tự hào vì bố mẹ tôi, những con người vĩ đại, với cơm canh, dưa cà đã nuôi lớn khôn tôi, cho tôi có ngày hôm nay. Bố mẹ tôi rất thương tôi. Bố chưa bao giờ dùng đòn roi với tôi, bố bảo: “Sinh ra con gái thương lắm, vì con gái lớn lên phải đi lấy chồng, không được ở với bố mẹ nhiều. Mà mười hai bến nước, không biết bến nào trong,...”. Tôi thấy mắt bố rơm rớm. Tôi biết là tôi đi học xa bố mẹ cũng nhớ lắm, nhưng cứ an ủi tôi: “Con cứ yên tâm học hành, bố mẹ ở nhà vẫn khỏe, vẫn vui”. Tôi thấy lòng mình se lại. Bố mẹ tôi đều là con cả của những gia đình đông con, từ nhỏ đã rất vất vả. Có lẽ vì thế mà bố mẹ dồn hết tình yêu cho con cái. Bố bảo: “Hi sinh đời bố để củng cố đời con”. Còn mẹ tôi thì tâm sự với bác hàng xóm: “Ngày xưa mẹ mình đẻ mình ra, nhà nghèo lại đông con nên chẳng được quan tâm chu đáo. Không như mình bây giờ, phải lo cho chúng nó từng li từng tí, có khi đến lúc nó lấy chồng, có con rồi mình vẫn còn phải lo”. Tôi thấy ngậm ngùi, bố mẹ tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ cho con cái. Tôi tự hỏi có bao giờ bố mẹ nghĩ cho bản thân mình?
Thương bố mẹ, tôi tự trách lòng. Tôi chưa làm được gì cho bố mẹ cả. Cuộc sống cuốn tôi đi, tôi không thường xuyên về thăm bố mẹ được, bố mẹ ở nhà chắc buồn và nhớ mong tôi nhiều lắm. Ngoài kia là gió bụi, là gai góc, là đau thương. Chỉ có gia đình là chốn nương náu bình yên nhất, là nơi mỗi chúng ta tìm về sau nhũng bước chân mỏi mệt. Và có một điều mà tôi luôn nhớ:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
- Bài viết của Nguyễn Hằng Nga - thienngaden161@
Nguồn: blogviet.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét